Từ đôi bàn tay trắng, bà nông dân kiếm 150 tỷ đồng/năm nhờ nuôi con 'hiền như cục đất'
Bà Nguyễn Thị Biên, quê xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa là đại diện duy nhất của tỉnh Thanh Hóa được bình chọn trong tổng số 63 nông dân xuất sắc tiêu biểu vừa được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tôn vinh trong chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" năm 2024.
Kể về hành trình khởi nghiệp, bà Biên nhớ những ngày mùa đông hơn 30 năm trước đi cào ngao ở Lạch Trào (xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) dưới cái rét căm căm.
"Lúc đó chưa ai nghĩ đến nuôi ngao. Đi cào ngao tự nhiên ở cửa biển chỉ để mưu sinh. Lứa chúng tôi lớn lên nhìn theo con nước mà mưu sinh. Quê tôi (xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa), thời kỳ đó người dân chủ yếu sống bám biển.
Đàn ông khỏe mạnh thì đi bè mảng ra khơi, phụ nữ chủ yếu cào ngao, kéo rùng ven bờ. Công việc vất vả nhưng thu nhập không đáng là bao", bà Biên chia sẻ với tạp chí Gia đình Việt Nam.
Cào ngao tự nhiên không làm việc theo giờ mà phụ thuộc vào con nước và mùa vụ. Vì thế, thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định, bữa được, bữa không. Nhưng theo bà Biên chính những năm tháng vất vả ấy đã hun đúc ý chí quyết tâm theo đuổi nghề nuôi ngao sau này. Đến mức, mấy chục năm nay, bà có biệt danh là Biên "ngao".
"Ngao có lẽ là cái nghiệp của tôi vì lớn lên đi cào ngao, giờ lên bà nội, bà ngoại rồi vẫn ngày đêm gắn bó, lăn lộn với ngao. Cào ngao thì đơn giản nhưng nuôi được ngao, chinh phục được ngao rất khó. Tôi có may mắn là đi lên từ cào ngao nên hiểu đặc tính của ngao, hiểu con nước, khí hậu, thổ nhưỡng, dần dần vừa học vừa làm tích lũy kinh nghiệm nên cũng có chút gọi là thành công", bà Biên tâm sự.
Năm 2005, hơn 30 tuổi và có khoảng chục năm cào ngao, bà Biên quyết định khởi nghiệp, quyết chí… làm ăn lớn bằng nghề nuôi ngao.
Theo báo Dân Việt, để có kinh nghiệm, bà Biên đi khắp các tỉnh từ Thanh Hóa ra Hải Phòng để tìm hiểu mô hình nuôi ngao.
Bà Biên đã tìm ra được chu kỳ sinh sản của con ngao và tận dụng những kiến thức tích lũy nhiều năm từ con ngao, để đến thời điểm sẽ tiến hành kích thích sinh sản, thu trứng và sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường. Đây là một bước ngoặt đáng kể, quyết định nhiều đến hiệu quả nghề nuôi ngao ở các bãi triều.
Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm, được sự giúp đỡ của các cấp hội nông dân, gia đình bà Nguyễn Thị Biên đã mở rộng diện tích nuôi ngao lên 50ha, trong đó có 30ha nuôi ngao thương phẩm, 20ha chuyên sản xuất giống.
Hiện gia đình bà Nguyễn Thị Biên đang nuôi ngao ở nhiều nơi như: huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh khác như Tp.Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Trao đổi với báo Thanh Hóa, bà Biên cho biết: "Gia đình tôi đã liên kết thu mua và tiêu thụ lượng lớn ngao cho các địa phương trong, ngoài tỉnh. Tôi đấu thầu thêm nhiều diện tích ở huyện Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn và các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh miền Bắc, miền Trung.
Sau gần 15 năm tích lũy kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn vốn, đến năm 2019 gia đình tôi đã đầu tư trên 27 tỷ đồng để mở rộng diện tích nuôi trồng và mua sắm một số máy móc khai thác chuyên dụng".
Được biết, mỗi năm cơ sở nuôi ngao của bà Biên cung cấp giống nuôi cho diện tích trên 1.000ha, sản lượng nuôi trồng và thu mua trên 100.000 tấn ngao thương phẩm và được gia đình bà Biên đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Đáng chú ý, năm 2023 được xem là năm đỉnh cao trong sự nghiệp nuôi ngao của bà Biên khi doanh thu đạt 150 tỷ đồng, được Trung ương Hội nông dân Việt Nam xác lập "kỷ lục" là nông dân có doanh thu lớn nhất Việt Nam.
Với mô hình nuôi ngao - được ví như "vàng trắng", gia đình bà Biên còn tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động với thu nhập từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra vào lúc cao điểm gia đình bà còn thu hút tới 150 lao động thời vụ.
Bên cạnh đó, gia đình bà Biên rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương như: hỗ trợ làm nhà cho hộ gia đình khó khăn trong thôn; dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo trong xã với tổng trị giá trên 500 triệu đồng; ủng hộ XDNTM, hiến đất và đóng góp với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng; tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ 87 hộ nghèo, vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho 30 hộ và có mức thu nhập đạt từ 20 triệu đồng trở lên/người/tháng.
Với những thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, bà Nguyễn Thị Biên đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen và được chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Minh Hoa (t/h)