Từ cây cà phê 'xanh' đến giảng đường đại học của nữ nông dân hiện đại
Câu chuyện của chị Mai Thị Nhung, nữ nông dân sinh năm 1981 ở Đắk Lắk, không chỉ về thành công kinh tế nhờ khởi nghiệp với nông nghiệp bền vững, mà còn là hành trình đầy cảm hứng về nghị lực vươn lên và khát khao tri thức. Từ vườn cà phê xanh mướt, chị Nhung đang bước những bước vững chắc trên con đường chinh phục giấc mơ đại học, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Mùa “hoa tuyết” nở rộ
Giữa bạt ngàn cây cà phê vào kỳ trĩu quả, từng chùm trái đã bắt đầu chín mọng đỏ au, căng tròn như những giọt rượu vang, báo hiệu một mùa bội thu mới. Thấp thoáng bóng dáng một người phụ nữ đang miệt mài chăm sóc vườn cây, lại gần chúng tôi được biết đó là chị Mai Thị Nhung trưởng nhóm NESCAFÉ Plan của 90 hộ nông dân tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Dưới cái nắng gió cao nguyên, làn da rám nắng của chị Nhung càng thêm khỏe khoắn. Nụ cười luôn thường trực trên môi, ánh mắt sáng ngời toát lên sự thông minh, quyết đoán và đầy lạc quan. Chị Nhung chia sẻ năm 1986 tốt nghiệp hết lớp 12, mặc dù rất muốn lên đại học sư phạm nhưng gia đình rất nghèo nên không thể đi học tiếp. Đến năm 1988, chị Nhung lấy chồng và bắt đầu làm cà phê theo anh. Chị nhớ lại khi đó nhà có 5 sào (5.000 m2) đất và việc trồng cà phê rất khó khăn do chi phí thì cao, năng suất thấp, hơn nữa cà phê bán ra thị trường tự do giá cả rất bấp bênh.
“Thu nhập tựa như dòng chảy của những con suối đầu nguồn, khi êm đềm, lúc khô cạn. Những lúc mùa màng thuận lợi, giá cả lên cao…, niềm vui như vỡ òa cho những ngày lao động miệt mài, gắn bó với đất. Nhưng cũng có những vụ mất mùa, giá thu mua cà phê xuống thấp khiến thu nhập sụt giảm, trừ chi phí rồi còn lại trang trải cho cuộc sống cũng rất khó khăn. Người nông dân không biết làm gì ngoài nương rẫy, còn mỗi cách kiên cường bám đất, mong vào mùa màng năm sau,” chị Nhung nhớ lại những chuỗi ngày khó khăn.
Song đến nay, cuộc sống của người nông dân trồng cà phê xen canh và áp dụng khoa học hướng tới phát triển bền vững, đã thay đổi đáng kể với “gam màu tươi sáng” hơn rất nhiều. Mỗi năm, các hộ dân trồng cà phê có thu nhập hàng tỷ đồng đã không còn là con số tỷ đồng hiếm.
Chị Nhung cho biết bước ngoặt lớn nhất là khi tham gia Chương trình Nestlé Plan. Chương trình này đã cung cấp kiến thức về kỹ thuật canh tác cà phê đồng thời giúp kết nối với những người nông dân với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn của chị Nhung đạt năng suất ấn tượng khoảng 3,5 tấn cà phê/ha cộng thêm sản lượng tiêu hoặc sầu riêng xen canh, mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Nhung còn nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân khác trong nhóm, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, xây dựng một cộng đồng nông dân vững mạnh.
Chị Nhung cho biết trong nhóm của mình có khoảng 10% các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Do có sự khác biệt về ngôn ngữ và tập quán, nên đồng bào tiếp nhận kiến thức chậm hơn. Khi tiếp xúc với bà con phải rất gần gũi, thân thiện. Muốn để nói cho họ hiểu, chị Nhung phải làm mẫu và khi có hiệu quả, những người dân đã đồng thuận làm theo.
Đến nay, “đất không phụ lòng người”-những vườn cà phê trong nhóm của Chương trình đều xanh tốt và cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Thành công của chị Nhung không chỉ được đo bằng những con số ấn tượng về năng suất và thu nhập, mà còn bằng sự thay đổi tích cực của cả cộng đồng. Đi trong thôn, trước mắt chúng tôi các ngôi nhà rộng lớn khang trang mọc lên và những chiếc xe ôtô đời mới láng bóng lăn bánh trên con đường của thôn.
Với mức thu nhập này, người nông dân không chỉ thoát khỏi cảnh nghèo khó, mà còn có thể tích lũy để đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống, cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Những người nông dân ở đây đang thực sự trở thành những người làm chủ trên mảnh đất của mình, tự tin và kiêu hãnh với những thành quả lao động hàng ngày tạo ra.
Đặc biệt, chị Nhung chia sẻ con em của các hộ nông dân có tỷ lệ tốt nghiệp đại học ngày càng cao. Như nhà chị, một cậu con trai 25 tuổi đã tốt nghiệp kỹ sư cơ khí, một cậu hiện đang học chương trình kỹ sư chuyên ngành điện. Các con chị cũng như những đứa trẻ khác trong thôn, chúng giao hẹn với bố mẹ sẽ về phát triển sự nghiệp đồng thời mong muốn tiếp quản công việc trồng cà phê của gia đình. Đây sẽ là những thế hệ kế cận đầy triển vọng, mang trong mình lòng nhiệt huyết, ý chí và tầm nhìn, hứa hẹn sẽ làm nên những điều tốt đẹp cho vùng đất này.
“Bông hoa” của đại ngàn
Thật đáng quý khi chứng kiến những người nông dân Đắk Lắk không chỉ làm giàu trên mảnh đất của mình mà còn vươn lên trở thành những người quản trị tài ba, những “doanh nhân” thực thụ giữa đại ngàn cà phê. Họ đã chứng minh rằng người nông dân không chỉ cần mẫn với ruộng vườn, mà còn có thể nhạy bén với thị trường, dám nghĩ dám làm, biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực.
Chị Nhung không giấu được cảm xúc, nhiệt tình chia sẻ những hoạt động đầu tư kinh doanh của mình, “tất cả đã thay đổi, tôi không chỉ làm nông nghiệp mà có những việc khác nữa. Sau khi có kinh tế ổn định từ cà phê, tôi không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh.”
Nhận thấy tiềm năng của năng lượng tái tạo, chị Nhung đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để bán điện cho điện lực quốc gia, mang lại nguồn thu nhập thụ động khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Không dừng lại ở đó, chị Nhung tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bằng cách mua thêm 3.000m2 đất để trồng cau, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Dự kiến, khi vườn cau cho thu hoạch, gia đình sẽ có thêm một nguồn thu nhập ổn định hàng năm. Bên cạnh đó, chị Nhung còn xây dựng nhà nuôi chim yến. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật, chị quyết tâm đầu tư xây dựng nhà yến đạt chuẩn và hy vọng sẽ thu hoạch được tổ yến chất lượng cao. Theo dự kiến, thu nhập từ nhà nuôi yến có thể tương đương thậm chí là cao hơn so với thu nhập từ 2ha cà phê, lên tới về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Và khi "hoa tuyết" cà phê nở rộ bạt ngàn một màu trắng, cũng là lúc giấc mơ đại học tưởng chừng quá xa vời lại ‘đơm hoa kết trái’ với chị Nhung.
Ở tuổi 43, người phụ nữ này vẫn tràn đầy năng lượng, luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới. Mặc dù bộn bề công việc làm rẫy và kinh doanh, song chị Nhung tủm tỉm cho biết vẫn ấp ủ một giấc mơ cháy bỏng được học đại học: “Việc học không bao giờ là muộn! Giờ đây kinh tế đã ổn định, tôi lên kế hoạch thực hiện ước mơ còn dang dở. Hiện, tôi đã trúng tuyển Đại học Mở Hà Nội, Khoa luật."
Câu chuyện của chị Nhung như một làn gió mới thổi bừng sức sống cho vùng đất đỏ bazan. Nó không chỉ là câu chuyện về thành công với cà phê, mà còn là bài học về tinh thần vượt khó, khát vọng vươn lên và ý nghĩa của việc học tập suốt đời. Hình ảnh người phụ nữ cần mẫn, đảm đang, vừa làm kinh tế giỏi, vừa nuôi dạy con cái thành đạt, vừa ấp ủ giấc mơ tri thức, sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người nông dân khác, đặc biệt là phụ nữ. Họ sẽ nhìn thấy ở chị Nhung hình ảnh của chính mình, nhìn thấy khả năng làm chủ cuộc sống, khẳng định vị thế trong gia đình và xã hội.
Cùng với chị Nhung, những người nông dân Đắk Lắk sẽ viết nên một câu chuyện đẹp về sự vươn lên, khát vọng làm giàu và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Họ chính là những “bông hoa” đẹp nhất trên mảnh đất bazan trù phú, tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo, học tập và cùng nhau xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững./.
(Vietnam+)