Truyện tranh bùng nổ tại Italy
Ivano Bariani là Giám đốc của PromoComix, một công ty tiếp thị cho các nhà xuất bản, tập trung vào truyện tranh, manga và các tác phẩm đồ họa, tại Italy. Với cương vị này, Bariani hiểu rõ sự phát triển của truyện tranh nước này. Bariani cho hay: “Cho đến năm 2019, thị trường truyện tranh của Italy thực sự tụt hậu so với tiềm năng của nó. Trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng bất ngờ".
"Và bây giờ, chúng tôi đang ở đỉnh cao. Số lượng truyện ra mắt nhiều hơn so với 5 năm trước và sự nổi lên nhanh chóng của một số tác phẩm, nhờ vào truyền thông, có thể thúc đẩy doanh thu mạnh mẽ hơn nữa. Tôi nghĩ rằng thách thức thực sự đối với các nhà bán lẻ và nhà xuất bản trong bối cảnh này không phải là quy mô hay sự tăng trưởng của thị trường, mà là tốc độ tăng trưởng quá nhanh”.
Đà thành công từ đại dịch Covid-19
Bariani muốn nói đến sự nổi tiếng của nghệ sĩ Michele Rech sinh ra ở Tuscany, với bút danh Zerocalcare. Truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa của ông đã được chuyển thể thành phim và thu hút nhiều người xem trên Netflix.
Bariani cũng cho biết tiểu thuyết đồ họa trên thị trường Italy là "thế giới của những tác giả vốn bị đánh giá thấp" nhưng nay đang được phát triển rất nhanh, trong đó, Zerocalcare là cái tên nổi bật.
Các mảng nội dung khác cũng ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ. Theo Bariani, năm 2018, manga chỉ chiếm hơn 1% thị trường". Và sự nổi lên của một số họa sĩ và nhà xuất bản nổi tiếng đến từ Italy dường như đóng vai trò trung tâm trong sự chuyển động nhanh chóng của lĩnh vực này.
Năm 2022, danh sách truyện tranh trong Top 100 của Italy có một tác phẩm của Zerocalcare, ở vị trí thứ 33, 4 tác phẩm thiếu nhi của nhóm tác giả Pera Toons và hai đầu truyện manga. Và đến năm 2024, tác phẩm của Zerocalcare được xếp ở vị trí số 8 và Pera Toons có tới 7 đầu sách, Bariani cho biết.
Cũng theo ông, mốc "bùng nổ" truyện tranh ở Italy là năm 2021: "Doanh số bán truyện tranh gần đạt 100 triệu bản, trong đó, riêng manga đã tăng gấp đôi doanh số, đạt gần 57 triệu bản. Khi tính doanh số bán mọi loại sách, cứ 11 cuốn sách được bán ở Italy trong năm đó thì có một cuốn là manga".
Bariani chia sẻ: "Vào năm 2022, cơn bão manga đổ bộ hoàn toàn. Manga đã tràn vào các hiệu sách với tốc độ chóng mặt, một ấn bản mới của Zerocalcare được phát hành và bốn đầu sách từ Pera Toons đã lên kệ. Doanh số bán truyện tranh đã phá vỡ mức trần 100 triệu bản và doanh số bán manga đã vượt qua 60 triệu bản. Phân khúc truyện tranh dành cho độc giả tiểu học vài năm trước chỉ đạt giá trị 3 triệu USD. Nhưng nhờ Pera Toons, giá trị đã tăng lên gần 10 triệu USD”.
Và dù thị trường đã dịu lại vào năm 2023 thì thực tế là thị trường truyện tranh tại Italy nói chung “vẫn lớn gấp ba lần so với năm 2018 và 2019”.
Năm 2023, riêng manga chiếm khoảng 7–8% sách được bán ở Italy, theo sau là phân khúc bí ẩn/ly kỳ. Dù Zerocalcare không ra sách mới vào năm 2023, phân khúc tiểu thuyết đồ họa vẫn duy trì mức giá trị 22 triệu USD. Còn phân khúc truyện tranh dành cho thiếu nhi lần đầu tiên vượt mức 15 triệu USD, được thúc đẩy nhờ sức hút của Pera Toons, ông Bariani nói.
Giới bán sách Italy hân hoan
Pablo Marchitto và Ambra Pallanca, chủ hiệu sách Libreria Sette Volpi (Seven Foxes), cũng đồng tình về sự phát triển nhanh chóng của truyện tranh tại Italy.
Cửa hàng của họ được mở cách đây hai năm, trong thời kỳ "bùng nổ" của ngành xuất bản."Chúng tôi đã có một vài năm phát triển thịnh vượng. Đại dịch đã mang đến nhiều độc giả mới”, Marchitto nói.
Ông và Pallanca cũng chia sẻ: "Chúng tôi thấy độc giả truyện tranh/manga ngày càng trẻ hơn. Và không chỉ có trẻ em trai là người hâm mộ truyện tranh, hiện độc giả truyện tranh là cả nam và nữ".
Họ cũng xác nhận rằng sự nổi tiếng của Zerocalcare đã giúp truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa được biết đến nhiều hơn. “Các tác phẩm của ông ấy bán được rất nhiều và luôn là một cái tên đảm bảo doanh thu nếu chúng ta nói về các tựa sách chính thống”, Marchitto nói.
Cũng giống như công thức thành công của nhiều hiệu sách truyền thống, Libreria Sette Volpi là “hiệu sách độc lập duy nhất trong khu phố của chúng tôi. Mọi người biết chúng tôi, các gia đình yêu mến chúng tôi, các trường học trong khu vực muốn làm việc với chúng tôi. Cửa hiệu khá nhỏ nhưng chúng tôi cố gắng cung cấp nhiều loại sách nhất có thể: tiểu thuyết và sách phi hư cấu dành cho người lớn, sách tranh dành cho trẻ em và tất nhiên là rất nhiều truyện tranh”, Marchitto chia sẻ.
Về triển vọng thị trường, trong 8 tháng đầu năm nay, thị trường truyện tranh ở Italy không có dấu hiệu đảo chiều, ông Bariani đánh giá.
Manga “tiếp tục chiếm gần 54% tổng doanh số bán truyện tranh. Giá trung bình của manga đã tăng lên 7.2 euro”. Ông Bariani cho biết, "mức tăng này chủ yếu là do các phiên bản bìa cứng, được chế tác đặc biệt dành cho các nhà sưu tập đang được xuất bản ngày càng nhiều và xuất hiện nhiều hơn trong bảng xếp hạng doanh số".