1. Kinh doanh

Trung Quốc nỗ lực kiểm soát hàng online giá rẻ

Pinduoduo là nền tảng thương mại điện tử có tốc độ phát triển chóng mặt. Ảnh: Anh Nguyễn.

Lin Yunyun (28 tuổi, sống tại Quảng Châu, Trung Quốc) bắt đầu bán tã bỉm trên Pinduoduo cách đây 2 năm.

Theo The New York Times, khi những người bán khác hạ giá sản phẩm thấp hơn Lin Yunyun, cô sẽ ngay lập tức nhận được "lời nhắc nhở" từ nền tảng. Một khi cô đồng ý giảm giá, ứng dụng liền chạy quảng cáo sản phẩm của cô.

"Nền tảng cứ liên tục nhắc nhở tôi về việc giảm giá sản phẩm. Nhưng nếu theo đà này, tôi sẽ chẳng thể thu nổi một đồng tiền lời nào", Lin Yunyun nói.

Cuộc chiến giá rẻ

Không doanh nghiệp nào cho thấy rõ áp lực giảm phát của Trung Quốc như Pinduoduo, tờ The New York Times bình luận.

Nền tảng thương mại điện tử này thành lập năm 2015 nhưng đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với các đối thủ và nhanh chóng mở rộng ra nước ngoài với thương hiệu Temu. Một lượng lớn khách hàng tìm đến đây bởi mức giá siêu rẻ và hàng loạt chương trình giảm giá lớn.

Theo báo cáo quý gần đây nhất, Pinduoduo tiết lộ doanh thu đã tăng đến 86%. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận trong tương lai ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, công ty dự định đầu tư mạnh hơn để đưa ra các gói hỗ trợ cho những nhà bán hàng tiềm năng.

Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo, đồng thời là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, nhấn mạnh rằng yếu tố cốt lõi của công ty không phải là bán hàng giá rẻ, mà là cung cấp những sản phẩm rẻ hơn giá trị thực của chúng.

Pinduoduo luôn đẩy mạnh giảm giá để thu hút người mua hàng. Ảnh: NY Times.

Là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai tại đất nước tỷ dân chỉ sau Taobao, Pinduoduo đánh thẳng vào nhu cầu mua sắm giá rẻ của một bộ phận khách hàng đang thắt chặt chi tiêu.

Sự thành công của Pinduoduo đã khiến 2 đối thủ Alibaba và JD.com cũng tham gia vào "cuộc đua" hàng hóa giá rẻ.

Năm ngoái, theo truyền thông Trung Quốc, trang mua sắm trực tuyến Taobao của Alibaba đã thực hiện chiến dịch đánh giá người bán dựa trên tiêu chí giá cả sản phẩm của họ so với các nền tảng thương mại điện tử khác. Những cửa hàng có mức giá ưu đãi sẽ nhận về nhiều lượt truy cập cùng tỷ lệ hiển thị sản phẩm trên trang web cao hơn.

JD.com, một công ty từng nổi tiếng với việc bán các thiết bị điện tử cao cấp, cũng đã chạy một loạt chiến dịch giảm giá sản phẩm.

Giảm phát

Tuy nhiên, hệ quả của các đợt giảm giá suốt thời gian dài là giảm phát. Chỉ số điều chỉnh GDP của Trung Quốc - đo lường mức giá trung bình của tất cả hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP - đã giảm trong 5 quý liên tiếp, đánh dấu đợt suy thoái dài nhất trong 1/4 thế kỷ. Điều này có nghĩa là nền kinh tế có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm nay.

Phần lớn hoạt động mua sắm của người dân Trung Quốc ngày nay đều diễn ra trên các nền tảng thương mại điện tử. Theo HSBC, có khoảng 60% người tiêu dùng lựa chọn mua sắm thông qua các nền tảng thương mại điện tử và con số này chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu bán lẻ ở Trung Quốc.

Các cơ quan quản lý tại Trung Quốc đã đưa ra quy định mới vào tháng 5 nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến áp đặt "điều kiện hạn chế bất hợp lý" dành cho giá cả, quy tắc giao dịch cũng như lưu lượng truy cập của người bán hàng.

Thương mại điện tử đóng góp hơn 1/3 tổng chi tiêu bán lẻ ở Trung Quốc. Ảnh: NY Times.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên những hệ quả của thương mại điện tử giá rẻ được đưa ra phân tích.

Từ năm 2015, các chuyên gia đã bắt đầu đề cập đến "Hiệu ứng Amazon". Cụm từ này thể hiện sự ảnh hưởng của "gã khổng lồ" bán lẻ trực tuyến Amazon - nền tảng cũng tích cực giảm giá các mặt hàng. Amazon và nhiều nhà bán lẻ khác đều theo dõi giá của đối thủ để điều chỉnh giá trên nền tảng.

Năm 2018, Alberto Cavallo, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard cho rằng thương mại điện tử khiến giá cả thị trường nhạy cảm hơn với những cú sốc kinh tế.

Giáo sư Cavallo nhận định tại Trung Quốc, những khó khăn của nền kinh tế đã gây áp lực khiến các doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm. Và điều này càng được thúc đẩy hơn bởi các nền tảng thương mại điện tử.

Sau một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, Bắc Kinh mới đây đã có những động thái quyết liệt hơn. Công ty nghiên cứu Rhodium Group cho rằng các nhà hoạch định chính sách đã thể hiện quyết tâm thay đổi nền kinh tế, nhưng áp lực giảm phát vẫn là vấn đề khó giải quyết.

Anh Nguyễn

Tin khác