Trồng sắn dây đem lại hiệu quả kinh tế cao
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn sắn dây rộng hơn 3ha, trồng hơn 300 gốc sắn dây, anh Ngô Văn Trường, thôn Nội Ngoại chia sẻ: Sắn dây từ lâu là cây trồng quen thuộc. Tuy nhiên, do trồng với số lượng ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, nên năng suất cũng như giá trị đem lại thấp. Năm 2020, nhận thấy nhiều diện tích đất bỏ hoang do cấy lúa kém hiệu quả, tôi quyết định thuê lại đất của 30 hộ trong thôn rồi thuê người dọn cỏ, thuê máy xúc về làm đất, đắp ụ, chôn cọc, lắp đặt giàn bằng thép để trồng sắn dây với mong muốn nâng cao thu nhập cho gia đình.
Vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sắn dây từ một người quen, lúc đầu anh Trường trồng 200 gốc. Sau 10 tháng, 200 gốc sắn cho thu hoạch gần 20 tấn củ (mỗi gốc có trọng lượng từ 80 – 100kg). Sắn dây bán cho thương lái và các công ty chế biến nông sản, sau khi trừ chi phí anh Trường thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Những năm về sau đã có kinh nghiệm, anh Trường trồng mật độ dày hơn với số lượng từ 300 – 400 gốc, năng suất luôn đạt 30 – 40 tấn, với giá bán hiện tại 15 – 20 nghìn đồng/kg. Ngoài bán sắn củ, anh Trường còn trực tiếp sản xuất bột sắn dây để bán ra thị trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Một năm trung bình gia đình anh Trường làm được khoảng hơn 1 tấn bột sắn. Hiện, giá bột sắn đạt khoảng 160 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Trường thu lãi trên 350 triệu đồng/năm.
Ở thôn Nội Ngoại còn có gia đình chị Ngô Thị Hiến, đã gắn bó với nghề trồng sắn dây từ hơn chục năm trước. Chị Hiến cho biết: Khoảng 4 năm trở lại đây, tôi xin nghỉ công việc ở ngành thủy lợi về tiếp quản vườn sắn với hơn 100 gốc của gia đình. Sắn dây là loại cây dễ trồng, không kén đất, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, ít dịch bệnh. Do là cây lấy củ nên muốn có năng suất cao, khâu đắp ụ, làm giàn phải đặc biệt quan tâm. Thay vì trồng theo cách người dân vẫn thường làm, chị Hiến đắp đất thành ụ cao nổi trên 1m, đất trồng sắn dây trước khi đắp thành hình nón cụt được trộn với phân lân, phân NPK với liều lượng 8 – 10kg/ụ. Bên trên ụ dùng cọc tre, dây thép để làm giàn cho sắn leo.
Theo kinh nghiệm của chị Hiến, ụ trồng sắn dây phải to, bảo đảm cho củ sắn phát triển, đất phải mới, càng tơi xốp thì củ càng lớn. Giàn phải đủ cho dây sắn leo, tránh hiện tượng dây sắn trên giàn dày quá dẫn đến quang hợp kém. Đặc biệt, phải tránh để dây sắn chạm đất đâm rễ tạo thành gốc mới dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả kém. Gia đình chị Hiến thường trồng sắn vào tháng 3 âm lịch, sau 9 – 10 tháng cho thu hoạch. Mỗi vụ gia đình chị Hiến thu hoạch được khoảng hơn 10 tấn, sau khi trừ chi phí lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Mậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiên Hải cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 10 hộ trồng sắn dây. Nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, những năm qua, UBND xã Tiên Hải đã tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất quy mô lớn. Mô hình trồng sắn dây trên địa bàn xã là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, xã sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ để nhân rộng mô hình này.
Bùi Linh