Trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận cao ở Đức Thọ
Theo đuổi nghề trồng dâu nuôi tằm từ năm 2005 ở Lâm Đồng, ông Nguyễn Công Chính (thôn Tân Tiến) sau khi về quê lập nghiệp (năm 2016) quyết định “mở đường” cho nghề "ươm tằm kéo tơ" tại xã An Dũng (huyện Đức Thọ). Trên tổng diện tích hơn 5.000 m2 trồng các loại cây ngắn ngày cho thu nhập thấp, ông Chính quyết định cải tạo vườn, trồng dâu để nuôi tằm.
Ông Chính chia sẻ: “Việc trồng dâu lấy lá làm thức ăn cho tằm không khó, đây là loại cây lâu năm, có đặc điểm tái sinh mạnh nên đảm bảo năng suất hằng năm mà không cần trồng mới. Sau khi trồng 6 tháng, cây dâu có thể cho thu hoạch lá thường xuyên với năng suất khoảng 6-8 tấn/ha”.
Bên cạnh diện tích trồng dâu, ông Chính còn đầu tư lắp đặt hệ thống giá đỡ, điều hòa... để nuôi tằm. Trung bình mỗi năm, ông Chính nuôi khoảng 10 lứa tằm trên diện tích sàn 40 m2, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 100-120 triệu đồng/năm.
“Trứng tằm sau khi được ấp từ 9-11 ngày sẽ nở. Tằm con được ươm mẹt trong thời gian 12 ngày, sau đó tiến hành thả ra sàn, mỗi ngày cho ăn 4-5 bữa lá dâu. Khoảng 1 tuần sau, tằm sẽ được bắt bỏ né để nhả tơ. Tơ tằm của người dân Tân Tiến chủ yếu nhập cho các đơn vị thu mua tại Đô Lương (Nghệ An) với mức giá 170.000 – 180.000 đồng/kg. Trung bình mỗi lứa, gia đình tôi thu về 10-12 triệu đồng, bao gồm tiền bán kén tơ và tằm giống” – ông Nguyễn Công Chính chia sẻ.
Cách đó không xa, gia đình bà Trần Thị Hiền (thôn Tân Tiến) cũng đang thu hoạch lá dâu để làm thức ăn cho tằm. Bà Hiền cho biết: “Gia đình tôi có tổng diện tích đất sườn đồi hơn 12.000 m2, trước đây chủ yếu trồng các loại hoa màu như: kiệu, ngô, cải… Vài năm trở lại đây, tôi quyết định chuyển đổi 3.500 m2 trồng kiệu sang trồng dâu. Hiện tại, vườn dâu của tôi cho thu hoạch thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu thức ăn cho tằm".
Gia đình bà Hiền là một trong những hộ mạnh dạn tiếp cận mô hình kinh tế trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hiện nay, lứa tằm của bà Hiền đang trong giai đoạn lớn, dự kiến sẽ được bắt bỏ né trong thời gian 3-4 ngày tới. Bà Hiền chia sẻ: “Tằm giai đoạn lớn thường có sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh nên cần đặc biệt chú ý đến nhiệt độ, độ ẩm. Lá dâu cho tằm ăn cũng phải là loại lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm, tránh cho ăn các loại lá bị bệnh, vàng. Hiện gia đình tôi đang thả tằm trên tổng diện tích sàn 50 m2, dự kiến sẽ cho thu hoạch kén trong 2 tuần tới”.
Cũng theo bà Hiền, trồng dâu nuôi tằm dễ hơn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng các loại rau màu ngắn ngày như kiệu, cải… Bên cạnh đó, kén tơ được thu mua với giá thành cao, ổn định, người nông dân không cần phải lo lắng về đầu ra. Hiện tại, với 10 lứa tằm được nuôi quanh năm, gia đình bà Hiền có nguồn thu nhập đều đặn từ 12-13 triệu đồng/tháng.
Với những hiệu quả thiết thực mà mô hình đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Tân Tiến bắt đầu chuyển đổi cây trồng, học hỏi kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm để áp dụng nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.
Bà Phan Thị Hằng (thôn Tân Tiến) chia sẻ: “Hiện tại gia đình tôi đang nuôi lứa tằm thứ hai. Sau khi nuôi lứa thứ nhất, tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Với mỗi hộp trứng ấp tằm có giá 550.000 đồng, thời gian ủ và nuôi trong khoảng 25 ngày sẽ hết khoảng 8-9 tạ lá dâu, cho thu hoạch khoảng 50-55 kg kén, giá bán ra trên thị trường từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, lứa đầu tiên của tôi cho thu nhập gần 10 triệu đồng”.
Phan Cúc