1. Kinh doanh

Trở thành tỷ phú nông dân khi trồng loại cây 'đẻ ra vàng'

Anh Lâm Văn Giàng (SN 1968), còn gọi là A Giàng, cư ngụ tại ấp Chà Lon, xã Minh Đức, Huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Hành trình mưu sinh đến khi trở thành "tỷ phú cao su", là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, từ việc trồng loài cây quý "đẻ ra vàng trắng".

Từ khi còn nhỏ A Giàng theo bố mẹ từ Cao Bằng vào Nam lập nghiệp vào những năm 80 tại tỉnh Sông Bé (cũ), nay là tỉnh Bình Phước, anh luôn mang khát vọng làm giàu.

Anh Lâm Văn Giàng - người Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, tỉnh Bình Phước.

Bố mẹ cho anh 1ha đất rẫy làm vốn, vợ chồng anh nông dân A Giàng đã trồng ớt, trồng chanh, dựng chuồng nuôi heo, nuôi gà… Cho đến năm 2010, số đất A Giàng sở hữu đã vượt lên 18ha đất rẫy. Nhưng chưa dừng lại ở đó, anh nông dân tiếp tục mày mò để thỏa mãn ý làm giàu của mình.

Anh Giàng chia sẻ với Dân Việt: "Ngày đó, thấy có người buôn heo, buôn trâu bò có lãi. Thế là tôi giao hết vườn tược, việc nhà cho vợ quản lý. Tôi tập tành đi … buôn heo".

A Giàng - thăm trang trại nuôi heo của nhà mình.

Hàng ngày, anh cứ đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu mua heo hơi về bán cho các lò mổ ở huyện Củ Chi (Tp.HCM), ít lâu sau anh trở thành người lái heo.

"Nhờ tiền buôn heo, buôn trâu bò mà tôi tích cóp để mua thêm đất ở xã Minh Đức, nơi gia đình mình lập nghiệp", A Giàng kể.

Từ số đất đai đó, A Giàng dành hơn 10ha trồng cao su và 7ha để trồng điều. Người dân ấp Chà Lon, xã Minh Đức hàng ngày lại thấy anh nông dân người dân tộc Tày nhỏ, đi lên rẫy làm việc quần quật từ sáng sớm cho đến chiều tối.

Anh nông dân Lâm Văn Giàng kể về hành trình trở thành "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

Quá trình trồng cao su cho đến khi cho mủ, là một quá trình gian nan, biết bao thăng trầm đối với A Giàng. Mỗi gốc cao su, mỗi gốc điều, thấm đẫm mồ hôi, công sức lao động của vợ chồng A Giàng.

Anh Lâm Văn Giàng trong rừng cây cao su.

Đến lúc thu hoạch mủ cao su thì giá cả thị trường lại như thách đố đối với anh, lúc lên lúc xuống. "Khi giá mủ cao su xuống thấp, quá thấp, người ta khuyên tôi chặt cao su trồng loại cây khác có giá hơn như hồ tiêu, cây điều… chẳng hạn. Nhưng nhìn những cây cao su vạm vỡ, đánh đổi bằng biết bao ngày tháng làm việc, tôi không nỡ đốn hạ", anh chia sẻ.

Theo Người đưa tin, vợ chồng A Giàng bỏ vốn xây dựng hẳn một trại heo, với quy mô khoảng 1.000 con vào năm 2011. Mỗi lứa heo A Giàng xuất bình quân 800 - 1.000 con. Đồng thời, anh lại gây giống nuôi tiếp 1.000 con cho lứa tiếp theo, tất cả nhờ vào kinh nghiệm làm lái heo trước đó.

Ngoài ra chăn nuôi và trồng trọt, gia đình A Giàng còn có một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ngay trung tâm thị trấn xã Minh Đức.

Người dân ấp Chà Lon ví von anh Lâm Văn Giàng bằng những biệt danh: "Tỷ phú" chân đất, "Tỷ phú" cây cao su A Giàng…

Hiện nay, vợ chồng A Giàng đã sở hữu gần 70ha vườn cao su, vườn điều và 1 trại nuôi heo. Nhờ đó người dân nơi đây có thêm việc làm, hiện có 25 lao động ở địa phương làm việc cho gia đình anh. Hàng năm, gia đình A Giàng thu hoạch gần 80 tấn mủ cao su, khoảng 30 tấn hạt điều thô, 260 tấn heo thị, 100 con heo nái…

Với đầu óc kinh doanh, anh luôn biết cách mở rộng sang nhiều ngành nghề khác, A Giàng mua máy xúc, xe tải để làm dịch vụ, khi người dân địa phương có nhu cầu làm đường, cuốc hố trồng cao su, đắp móng xây nhà, hay san lấp mặt bằng. Vì thế, trừ đi chi phí thu nhập của gia đình anh ước tính vài tỷ đồng, theo anh nông dân tỷ phú A Giàng cho biết.

Một người hàng xóm nói với tôi rằng: A Giàng chân chất như khoai như sắn. Nhìn A Giàng, rất khó biết ông ấy là "tỷ phủ", là người giàu nhất cái ấp Chà Lon, với tài sản là hàng chục héc-ta cao su, điều…

Theo Bà Nguyễn Thị Phố - Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức, cho biết: "Anh Lâm Văn Giàng là người dân tộc Tày, từ Cao Bằng vào lập nghiệp tại vùng đất miền Đông. Từ một người nghèo khó, với bản tính chịu thương chụi khó, cần mẫn lao động, anh ấy đã tạo cho mình cơ ngơi như hiện nay, bằng chính mồ hôi, sức lao động của anh ấy và mọi người trong gia đình.

Anh Giàng là tấm gương Nông dân sản xuất giỏi điển hình của địa phương, mà chúng tôi luôn lấy làm hình mẫu để khuyến khích bà con, những hội viên nông dân khác học tập, noi theo".

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu cao-su của Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt khoảng 250 nghìn tấn, trị giá 424 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và tăng 23% về trị giá so với tháng 8/2024, tăng 29,2% về lượng và tăng 68,4% về trị giá so với tháng 9/2023. Giá bình quân xuất khẩu cao-su ở mức 1.697 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng 8/2024 và tăng 30,3% so với tháng 9/2023.

Tổng hợp

Tin khác