'Trò chuyện cùng gen Z'
Thưa ông, là nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn về giáo dục, bất động sản, tin học… vì sao ông nhắm đến gen Z (thế hệ được sinh ra từ khoảng năm 1995 - 1997 tới 2010 - 2012) trong tác phẩm này?
Mình thật may mắn khi được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều công việc, có cơ hội tiếp cận với các tầng lớp xã hội, trong đó có bạn trẻ. Mình đặc biệt quan tâm đến lớp trẻ, bởi các bạn là thế hệ tương lai của đất nước.
Thời điểm này, khi cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, công nghệ 5.0 sắp chạm đến, người trẻ tuổi có ít kinh nghiệm, ít trải nghiệm sẽ bị tác động nhiều hơn. Chúng ta có trách nhiệm chuyển giao, hướng dẫn, giúp họ nhận ra vấn đề thật sự. Từ đó, họ mới vượt qua khó khăn, trở nên cứng rắn hơn, nhiều năng lượng hơn khi cùng chung tay đưa xã hội lên một quỹ đạo mới, tận dụng được vận hội mới của đất nước. Đó là lý do tại sao thời gian qua, tôi phối hợp với nhiều diễn giả tổ chức các buổi trò chuyện với học sinh, sinh viên ở Việt Nam; lắng nghe tâm tư, chia sẻ lo lắng, trao đổi về trăn trở… Tham khảo thêm nhiều chuyên gia đi trước, người giàu kinh nghiệm, tôi đưa ra góc nhìn từ những gì bản thân thu nhận được. Mong rằng, quyển sách sẽ giúp nhiều phụ huynh và bạn trẻ nhìn rõ mình, có định hướng cụ thể trong tương lai.
Điều gì ở gen Z ông cho rằng họ đặc biệt để có thể đồng hành cùng sự biến đổi thế giới?
Ai lớn lên cũng sẽ gặp vấn đề nào đó. Vấn đề của gen Z hiện nay chính là sự biến đổi quá nhanh của thế giới. Thế giới chao đảo, biến động từng ngày khiến họ chóng mặt, hoang mang. Phải làm sao để gen Z nhận ra rằng luôn có những giá trị bất biến, nếu bám vào đó, họ sẽ trưởng thành tốt, thậm chí thời đại nào cũng sống được.
Việt Nam đang trên con đường đổi mới, người Việt luôn khao khát học hỏi, thế hệ trẻ bắt nhịp công nghệ thông tin rất nhanh. Kết quả khảo sát trên thế giới cho thấy, giới trẻ nước ta nằm trong “top” các quốc gia tiếp cận, sử dụng công nghệ phục vụ cho sự phát triển. Đó chính là lợi thế nhìn thấy rõ.
Gắn bó nhiều với Huế, ông có nhận xét gì về gen Z ở Huế? Họ nên tận dụng điều gì để tạo nên “thương hiệu”, tạo đà bứt phá?
Nói chung, thanh niên ở đâu cũng đối mặt với vấn đề tương tự. Ở Huế, có sự khác biệt tương đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là cơ hội ít hơn, do đó, động lực phát triển ít hơn, chậm hơn. Tuy nhiên, với môi trường trầm lắng của miền đất sông Hương, núi Ngự, họ lại dễ tìm ra chính mình hơn.
Cá nhân vẫn là chủ thể của phát triển. Cá nhân gen Z phải biết định vị, tìm ra mình là ai, từ đó mới định hướng, nuôi dưỡng đam mê. Đam mê theo xu hướng thường không bền và đừng chạy theo điều đó. Khi đam mê thực sự cháy bỏng, bừng bừng năng lượng sẽ thôi thúc bản thân vươn lên, chạm tới thành công. Ở Huế, ngoài năng lực, con người thành công vượt bậc còn nhờ văn hóa. Văn hóa này chính là biết trân trọng cái đẹp, nhận ra giá trị chân - thiện - mỹ. Biết cái đẹp mới sống đẹp và mang cái đẹp đến cho người khác. Huế có nền tảng văn hóa giúp gen Z Huế làm được chuyện đó.
Tại sao ông lại khuyên lớp trẻ tập trung vào việc xây dựng nội lực cho chính mình, mà không phải là thứ gì khác?
Bạn có biết Chat GPT chúng ta đang dùng chưa phải là bản tốt nhất và càng không phải là bản cuối cùng, nó được cập nhật và thay đổi liên tục đến nỗi chúng ta không thể nhận ra. Vậy một khi đã học hỏi điều gì đó, hãy nghĩ sẽ dùng nó làm sao? Tôi cho rằng, điều cốt lõi là phải biến cái học được thành một công cụ, sử dụng nó nhằm tạo ra giá trị cao hơn. Ấy chính là nội lực của mỗi người cần phải thiết lập, trau dồi, bồi dưỡng dần dần.
Trong tác phẩm của mình, ông nêu “Giáo dục chữ Lễ”, “Thành nhân trước khi thành tài”… Điều ông muốn gửi gắm ở đây là gì?
Chúng ta lớn lên với nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mục tiêu của giáo dục xã hội là thành nhân, sau đó mới thành tài. Sau chữ nhân thì chữ lễ lợi hại ghê lắm. Bản chất chữ lễ ấy là biết trân trọng những người xung quanh mình. Khi mình trân trọng người khác, họ sẽ quý mình, riêng điều này đã tạo nên giá trị kết nối cho hai bên. Ở mỗi thời điểm, mỗi không gian, mỗi đất nước có những quy định lễ nghi, phép tắc khác nhau nhưng đều quy về biết trân trọng. Đây là bài học kinh nghiệm mà ông bà ta đã đúc kết, làm được như vậy sẽ tạo ra nhiều giá trị cho bản thân và người khác.
Đã có hàng trăm buổi trò chuyện với các bạn trẻ về khởi nghiệp, vậy ông muốn nhấn mạnh điều gì với gen Z khi họ có ý định khởi nghiệp?
Khởi nghiệp - “Start up” ở đây không có nghĩa là bỏ vốn ra làm ăn. Công việc này, con đường này mình chọn sẽ ràng buộc và xây đắp tương lai của chính bạn. Xã hội phân công mỗi người một công việc khác nhau. Khởi nghiệp chính là bắt đầu một công việc mình muốn hướng đến, chọn nghề phù hợp. Khi đã chọn, hãy làm việc đàng hoàng, tới nơi tới chốn.
Thời đại 4.0 sẽ tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho gen Z, làm sao để họ vượt qua trong hành trình vươn lên khẳng định bản thân, chinh phục thế giới?
Mỗi thời đại có một thách thức khác nhau. Thời ông bà ta cũng có và hoàn toàn khác với vấn đề hiện tại của chúng ta. Dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa cũng cần ý chí vượt khó. Đầu tiên, phải biết mình là ai để ra hướng vượt qua khó khăn đó như thế nào.
Ông kỳ vọng gì ở đứa con tinh thần của mình lần này?
Tôi mong những người nào đó tình cờ được đọc, được nghe trò chuyện về quyển sách này sẽ cảm nhận hoặc thu được chút gì đó cho bản thân. Có thể là ý tưởng, câu nói mà các bạn thấy tâm đắc nhưng có thể mở ra hướng đi, thay đổi cách nhìn. Một số doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công và được cộng đồng biết đến. Các bạn ấy hỏi bây giờ phải làm CEO như thế nào hả anh? Tôi bảo điều đơn giản nhất là làm cho người tìm đến bạn thấy có lợi: Từ người cung cấp nguyên liệu, gia công, làm thành phẩm, khách đến thăm thú… chí ít hãy mang đến cho họ niềm vui. Họ sẽ “thối lại” cho bạn một thứ gì đó có thể là sản phẩm, tiền bạc, tinh thần… Mình không mang lại cho người khác niềm vui và sự thỏa mãn thì đừng mong ai mang lại điều gì cho mình. Tôi cho rằng, công thức này bất di bất dịch. Các bạn trẻ không cần tìm kiếm điều gì khác, hãy áp dụng công thức này đi!
Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Sĩ Chương sinh năm 1955 tại TP. Huế, là chuyên gia kinh tế và chiến lược phát triển doanh nghiệp. Ông tốt nghiệp nhiều trường đại học ở Anh, Mỹ; từng khởi nghiệp sáng lập và điều hành 10 doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, Việt Nam. Hiện ông là lãnh đạo đại diện Công ty 3Horizons (Anh quốc) tư vấn tái cấu trúc chiến lược doanh nghiệp và hệ thống kế thừa tại châu Á.
Linh Giang (Thực hiện)