Triệu phú chăn nuôi
Bà Ninh kể, năm 1995 gia đình bắt đầu khởi nghiệp từ chăn nuôi lợn, đến năm 1998, đàn lợn đã có số lượng hơn 40 con, đều trên 80 kg, lúc đó là tài sản “khủng” ở trong vùng, ai cũng ngưỡng mộ bà. Nhưng cuối năm đó, đợt dịch đã cuốn đi của gia đình tất cả.
Bà ngậm ngùi chia sẻ, lúc đó thật sự bất lực, nhưng thất bại thì phải làm lại, nên bà đã chủ động tìm tòi qua sách báo về kỹ thuật phòng bệnh và cùng chồng cải tạo chuồng trại, đảm bảo tốt khâu vệ sinh, chọn nuôi lợn rừng lai để tăng sức đề kháng. Năm 2000, hai vợ chồng mua 5 con lợn rừng lai hết 14 triệu đồng bằng tiền vay của họ hàng để khởi nghiệp lại. Ông bà nuôi lợn sinh sản nhưng chọn lọc cá thể khỏe giữ lại để nhân đàn, cách làm có phần chậm chạp nhưng mang lại hiệu quả cao, đàn lợn tăng nhanh về số lượng, đến năm 2010 gia đình bà Ninh đã vươn lên thành hộ khá trong thôn.
Năm 2014, tận dụng diện tích đất ruộng trũng hơn 5.000 m2 quanh nhà, bà Ninh lại bàn cùng gia đình đầu tư hơn 200 triệu đồng cải tạo đào ao thả cá rộng 2.000 m2; nuôi 700 con gà ta thả đồi và xây dựng lại hệ thống chuồng trại nuôi lợn khép kín đảm bảo khâu vệ sinh, chăm sóc đạt chuẩn với quy mô 70 con lợn thịt.
Bà Ninh cho biết, toàn bộ thức ăn chăn nuôi đều được chọn lọc kỹ lưỡng từ khâu đầu vào, gia đình luôn tận dụng thức ăn có nguồn gốc từ tự nhiên, đặc biệt định kỳ mỗi năm 1 lần đều xử lý chuồng trại bằng vôi bột, phun khử khuẩn và tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm. Từ chăn nuôi, mỗi năm gia đình bà Ninh đều có doanh thu trên 400 triệu đồng, nhờ đó, các con sau khi xây dựng gia đình đều được cha mẹ giúp đỡ về vốn để khởi nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Đình Viên cho biết, xã Hòa Phú hiện có trên 30 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, nhưng ấn tượng nhất vẫn là mô hình kinh tế VAC của gia đình bà Ma Thị Ninh. Ngoài làm kinh tế giỏi, bà Ninh cũng là hội viên nông dân gương mẫu, luôn có ý thức giúp đỡ người dân trong thôn, trong xã cách chăm sóc đàn vật nuôi, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra.
Bài, ảnh: Lê Duy