1. Kinh doanh

Toan tính của Highlands Coffee

Highlands Coffee mở cửa hàng ở vị trí mang tính biểu tượng, thu hút rất nhiều du khách tại Đà Lạt. Ảnh: Highlands Coffee.

Highlands Coffee vừa khai trương cửa hàng mới tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Đáng nói, cửa hàng này hiện diện ngay tại nụ hoa Atiso ở quảng trường Lâm Viên - một vị trí mang tính biểu tượng bậc nhất ở thành phố ngàn hoa.

Việc giành được mặt bằng tại "đất vàng" đắc địa ở quảng trường Lâm Viên cho thấy dù đã dẫn đầu trong thị trường chuỗi cà phê, Highlands vẫn còn rất nhiều tham vọng.

Cửa hàng biểu tượng

Highlands Coffee từng mở các cửa hàng khác tại Đà Lạt nhưng phải đến khi hiện diện ở quảng trường Lâm Viên mới thực sự tạo nên một "cú nổ lớn" về mặt truyền thông.

Ông Minh Phan - nhà đồng sáng lập Site Plus, chuyên gia cố vấn chiến lược mặt bằng cho các chuỗi bán lẻ, chuỗi F&B lớn - cho biết quảng trường Lâm Viên là điểm đến "must-visit" của mọi du khách khi đến Đà Lạt. Nằm ngay trung tâm thành phố, nơi này có sức chứa lên đến 60.000 lượt khách mỗi ngày, đặc biệt là giới trẻ.

Nụ hoa Atiso khổng lồ với thiết kế mang tính biểu tượng là điểm check-in vốn đã rất thu hút tại Đà Lạt. Vậy nên, việc sở hữu mặt bằng tại đây giúp Highlands tăng khả năng nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng.

Vị trí đặc biệt này cũng giúp thương hiệu tiếp cận đa dạng khách hàng từ gia đình, cặp đôi, nhóm bạn..., vì quảng trường Lâm Viên là nơi tập trung nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, từ dạo bộ, picnic đến xem phim, mua sắm...

"Trước đây, vị trí này thuộc về Doha Cafe. Tôi đã từng đến nhưng không thấy nhiều ấn tượng ngoài việc nó nằm trong nụ hoa Atiso. Dù vậy, đơn vị có thương hiệu và kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B như Highlands chắc chắn sẽ tận dụng tối đa lợi thế của vị trí này để thu hút khách hàng", ông Minh Phan nói thêm.

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School nhận định việc xuất hiện ở những vị trí đắc địa không chỉ tại TP.HCM mà cả ở các thành phố lớn khác giúp Highlands Coffee khẳng định vị thế và sự hiện diện mạnh mẽ.

Các cửa hàng ở cấp độ signature (mang tính biểu tượng) như vậy sẽ nâng cao đáng kể uy tín thương hiệu, tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách hàng, đồng thời củng cố lòng trung thành và khuyến khích truyền miệng tự nhiên từ phía khách hàng.

"Highlands Coffee đang triển khai chiến lược này rất hiệu quả, theo mô hình Starbucks đã thành công tại các thị trường châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản", ông Thanh đánh giá.

Theo ông Thanh, sự hiện diện tại các địa điểm mang tính biểu tượng không chỉ giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu mà còn thể hiện tầm vóc của một thương hiệu lớn, có tính toàn cầu hóa và địa phương hóa đồng thời.

Tham vọng của "ông lớn"

Theo báo cáo do Vietdata công bố hồi tháng 6, từ năm 2020 đến cuối năm 2023, Highlands Coffee đã tăng thị phần từ 7,4% lên 11,6%.

Đây cũng là chuỗi cà phê sở hữu nhiều chi nhánh nhất Việt Nam, với 800 cửa hàng trong nước và 50 cửa hàng tại Philipines, theo công bố trên website của hãng. So với cuối năm 2022, số lượng cửa hàng của Highlands Coffee đã tăng lên gần 200 điểm bán.

Thay vì tập trung vào đa dạng menu, hãng gia tăng số lượng cửa hàng và độ nhận diện thương hiệu tại các vị trí đắc địa.

Gần đây, tại TP.HCM, Highlands Coffee liên tục mở cửa hàng tại các mặt bằng mang tính biểu tượng và thu hút rất đông du khách như gần Bưu điện TP.HCM, bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Các cửa hàng được đầu tư concept trẻ trung, có dấu ấn riêng, thay vì các cửa hàng có phần "công nghiệp" như trước đây.

Từ đầu năm đến nay, nhiều cửa hàng cũ cũng được thương hiệu cải tạo và nâng cấp theo hướng này.

Highlands Coffee gần Bưu điện TP.HCM có thiết kế mang đậm bản sắc Việt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ông Đỗ Duy Thanh cho rằng Highlands Coffee đã chọn chú trọng vào phục vụ khách hàng hiện đại và có phong cách sống năng động. Nhóm khách hàng này thường muốn trải nghiệm các thương hiệu có phong cách và cá tính rõ ràng.

Vì vậy, việc Highlands Coffee không ngừng cải tiến trong mô hình cửa hàng, đặc biệt về mặt kiến trúc, là hoàn toàn phù hợp và cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

"Sự đa dạng trong phong cách kiến trúc của các cửa hàng Highlands Coffee không chỉ làm mới hình ảnh thương hiệu mà còn tăng tần suất khám phá của khách hàng, đặc biệt trong thời kỳ mạng xã hội phát triển mạnh mẽ", ông Thanh chia sẻ.

Theo đó, mỗi cửa hàng có thiết kế riêng sẽ trở thành điểm check-in thu hút khách hàng, tạo ra dòng khách quay lại thường xuyên.

Ngoài ra, cá tính hóa kiến trúc cửa hàng phù hợp với từng địa phương và mặt bằng cụ thể giúp Highlands Coffee tạo ra những cửa hàng biểu tượng, lan tỏa thương hiệu một cách tự nhiên và bền vững hơn trong lòng khách hàng.

Với độ phủ rộng khắp tại Việt Nam và những thành công đạt được từ các chiến lược hiện tại, chuyên gia tin rằng sắp tới Highlands Coffee sẽ đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị trường quốc tế.

Việc phát triển tại các thị trường mới không chỉ giúp thương hiệu nâng cao vị thế mà còn tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới, đặc biệt khi Highlands Coffee đã có nền tảng thương hiệu vững chắc tại Việt Nam.

Diệu Thanh

Tin khác