Tìm hiểu kỹ về nhà đầu tư trước khi quyết định nhận vốn
Trong nhiều cuộc thương thảo, gọi vốn là con đường một chiều, với sức mạnh đàm phán nghiêng về phía nhà đầu tư. Nhưng nếu nhìn trên thực tế, chính nhà đầu tư cũng có cơ hội gia tăng thu nhập nhiều lần, khi start-up thành công trong tương lai.
Do đó, thay vì sẵn sàng đồng ý mọi yêu cầu mà phía nhà đầu tư đưa ra, start-up nên kiểm tra xem nhà đầu tư có phù hợp với mình hay không trước khi quyết định chính thức nhận vốn.
Điều đầu tiên start-up cần đánh giá chính là triết lý của nhà đầu tư. Mỗi quỹ đầu tư có triết lý rót vốn khác nhau, có những quỹ muốn đồng hành lâu dài cùng start-up, nhưng cũng có thể chỉ muốn tìm kiếm lợi nhuận.
Nếu quỹ đầu tư đặt mục tiêu thoái vốn sau 1 - 3 năm, thì sẽ không phù hợp nếu start-up cần 5 - 10 năm để phát triển. Tương tự, nếu quỹ đầu tư đặt mục tiêu thoái vốn gấp 20 lần, thì không phù hợp với start-up chỉ tăng tối đa 5 lần số vốn ban đầu sau 5 năm.
Sau khi xem xét triết lý đầu tư, đội ngũ sáng lập nên tập trung khai thác lịch sử hoạt động và thành tích của quỹ đầu tư đó. Nếu quỹ đầu tư đã từng đầu tư vào 1 start-up ở giai đoạn ươm mầm và đồng hành tới khi start-up tiến hành IPO, thì đó là một dấu hiệu tốt.
Ngược lại, nếu quỹ đầu tư có ít công ty thành công trong danh mục, hay có xu hướng thoái vốn chỉ sau 1 - 2 năm rót tiền, thì đây là tín hiệu cảnh báo với start-up. Điều này chỉ ra rằng, quỹ đầu tư có kỹ năng chọn start-up nghèo nàn, hoặc quỹ không cung cấp các giá trị thích hợp để hỗ trợ các nhà sáng lập xây dựng công ty thành công.
Đặc biệt, start-up nên chú ý các giá trị ngoài tiền mà quỹ đầu tư có thể mang lại. Một trong những lợi ích lớn nhất là sự hỗ trợ để start-up gọi được thêm vốn cho những vòng đầu tư sau, như giới thiệu start-up với các nhà đầu tư tiềm năng, hoặc kết nối với những bên mong muốn mua lại doanh nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, start-up nên ưu tiên các nhà đầu tư có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực, có thể tư vấn cho start-up trong hoạt động vận hành để đạt được mục tiêu đặt ra, cũng như luôn kịp thời hỗ trợ khi start-up gặp vấn đề khó khăn.
Kinh nghiệm thực tế của một chuyên gia gọi vốn cho thấy, không chỉ start-up thổi phồng tiềm năng về mô hình của mình, nhiều nhà đầu tư thường tuyên bố “hỗ trợ thêm nhiều giá trị” nhưng lại không giúp được gì đáng kể cho start-up. Để chắc chắn nhà đầu tư có nói thật hay không, start-up nên chủ động tham khảo thông tin từ các start-up trong danh mục đầu tư của quỹ, hoặc tìm hiểu thông tin từ mạng lưới nhà đầu tư quen biết của mình. “Hãy đánh giá nhà đầu tư kỹ lưỡng như nhà đầu tư đánh giá về start-up của bạn”, vị này nhắn nhủ.
Đức Thọ