Tiểu thương Việt vẫn chưa bắt kịp thương mại điện tử
Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) từng rất nổi tiếng ở Hà Nội, các gian hàng đầy ắp quần áo, giày dép và đồ lưu niệm. Người bán ngồi trò chuyện hoặc lướt điện thoại, thỉnh thoảng có vài khách du lịch qua lại, khác xa với không khí nhộn nhịp của trung tâm thương mại một thời.
“Đã 12 giờ trưa rồi, mà không hề có khách vào mua. Thương mại điện tử đã khiến tình hình buôn bán của chúng tôi kém đi rất nhiều”, ông Phùng Mai Hưng, một người bán buôn quần áo, chia sẻ với Rest of World.
Ông Hưng và vợ đã bán quần áo tại cửa hàng Lan Hưng trong khu chợ này hơn 30 năm. Đối mặt với doanh số giảm sút trong vài năm gần đây, ông đã tự học cách lập website, kênh YouTube và đưa cửa hàng lên Google Maps.
Tuy nhiên, ông cho biết tình hình không được cải thiện. “Bán cho khách du lịch thì chỉ bán vui thôi, chứ không thể nuôi sống được”, ông Hưng cho biết thêm
Hiện có khoảng 9.000 chợ truyền thống trên khắp Việt Nam, từng là những trung tâm kinh doanh sầm uất với hàng trăm gian hàng bán mọi thứ từ thực phẩm đến quần áo và đồ gia dụng. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, số lượng người mua sắm tại các chợ này cũng ngày càng giảm.
Cách tiếp cận mới
Ông Võ Văn Khánh, lãnh đạo một sáng kiến hồi sinh chợ truyền thống của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết rất có thể các chợ truyền thống sẽ phải đóng cửa nếu không có sự can thiệp hợp lý bởi sức tiêu thụ tại nhiều chợ hiện tại chỉ đạt 60% công suất.
TMĐT đang bùng nổ trên khắp Đông Nam Á, theo ước tính của công ty nghiên cứu Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa đã đạt khoảng 115 tỷ USD trong năm 2023, tăng 15% so với năm trước.
Trước xu hướng này, các tiểu thương địa phương gặp khó khăn trong việc thích nghi với các ưu đãi lớn, giao hàng nhanh và sự cạnh tranh từ các nền tảng TMĐT, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Đối mặt với sự phát triển của thương mại điện tử, các cơ quan chức năng ở Indonesia, Malaysia và Philippines đã áp dụng thuế nhập khẩu cao hơn cho các đơn hàng này. Tại Thái Lan và Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ cũng kêu gọi biện pháp tương tự.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chọn cách tiếp cận khác. Cơ quan quản lý khuyến khích người bán hàng truyền thống tham gia thương mại điện tử. Chính phủ hỗ trợ các tổ chức ngành như VECOM, TikTok Shop và Shopee để đào tạo các tiểu thương. VECOM đã đào tạo khoảng 450 người bán ở 9 chợ từ tháng 5 về cách thiết lập gian hàng trên nền tảng TMĐT, quản lý đơn hàng trực tuyến và bán hàng qua livestream.
Sang năm 2025, VECOM dự kiến mở rộng đào tạo tại 1.000 chợ, với mục tiêu chuyển đổi thành công 500 tiểu thương. Tổ chức này cũng hợp tác với Shopee để đào tạo hơn 20.000 doanh nghiệp nhỏ trên toàn quốc.
Tại một sự kiện của TikTok ở chợ Bến Thành (TP.HCM) vào tháng 12 năm ngoái, các KOL/KOC đã giúp các tiểu thương bán hàng nghìn sản phẩm qua livestream. Theo một báo cáo, các avatar AI phát triển bởi một công ty địa phương cũng đã xử lý hàng trăm đơn hàng, từ thiết bị gia dụng đến cà phê.
Thế khó của tiểu thương
Tuy nhiên, ngoài một vài câu chuyện thành công, ông Khánh cho biết hầu hết tiểu thương đều chưa quá quen với hình thức TMĐT này. Theo báo cáo của VECOM, chưa đến một nửa trong số 450 tiểu thương đã đào tạo có thể thuần thục bán hàng online, do thiếu kỹ năng số và gặp khó khăn trong việc quản lý nguồn cung và logistics.
“Một thách thức lớn khác là khả năng thích nghi với sở thích và xu hướng thị trường đang thay đổi nhanh chóng”, người phát ngôn của Shopee chia sẻ với Rest of World.
Và không phải người bán nào cũng tin rằng tham gia vào nền tảng thương mại điện tử là giải pháp. Mai Văn Tùng, người đã bán hải sản khô gần 10 năm tại chợ Cồn (Đà Nẵng) đã tham gia TikTok Shop sau khi tham dự một buổi đào tạo của VECOM đầu năm nay.
“Mỗi ngày, tôi chỉ bán được 2-3 món”, anh chia sẻ. “Nếu tôi đăng video mà viral thì nhiều người biết đến cửa hàng hơn, họ sẽ đến mua trực tiếp, như vậy thì có hiệu quả, nhưng không hiệu quả về doanh số online”. Ngoài ra, chi phí vận chuyển trên TikTok Shop khá cao do anh không thể kiểm soát logistics.
Ông Phạm Trung Thành, CEO AZ Digital cho biết đối với người bán truyền thống, hóa đơn, đóng gói, vận chuyển và việc phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của nền tảng đều là những thách thức không dễ giải quyết bằng việc đào tạo.
“Người bán xúc xích truyền thống có thể nghỉ bán khi hết hàng. Nhưng bán online thì khách hàng không ngủ, và họ không có nhân lực để giao hàng khi đó. Bán được là một chuyện, bán hiệu quả thì rất khó”, ông Thành nói về một cửa hàng mà ông đã đào tạo.
Các nền tảng thương mại điện tử cũng ngày càng chọn lọc hơn. Dù doanh số trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee và Lazada, tăng gần 16% trong quý III so với cùng kỳ năm trước, số lượng cửa hàng trực tuyến lại giảm gần 20% khi người tiêu dùng ưu tiên các nhà bán hàng được xác thực, theo công ty phân tích Metric.
Bên cạnh đó, nhiều người bán thích sử dụng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin để tiếp cận khách hàng hơn là cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử khốc liệt. Theo một báo cáo của Decision Lab, ngay cả khách hàng có hiểu biết về công nghệ cũng thích mua sắm qua livestream và nhắn tin trực tiếp để tương tác trực tiếp với người bán hơn.
Tại Đà Nẵng, anh Tùng có khoảng 10.000 người theo dõi trên Facebook cho cửa hàng hải sản khô của mình. Kênh Facebook giúp anh Tùng có thể giao tiếp trực tiếp với khách hàng, giúp anh có thể kết nối với khách hàng ở xa như Hà Nội.
Tương lai của chợ truyền thống
Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, các tiểu thương chỉ cập nhật giá và chương trình khuyến mãi qua Zalo, bà Trần Thị Kiều Thanh Hà, quản lý dự án tại HealthBridge, một tổ chức phi lợi nhuận của Canada cho biết.
Những người đang làm việc để bảo tồn các chợ truyền thống tại Việt Nam như bà Hà vẫn luôn ủng hộ các nỗ lực giúp người bán hàng tham gia vào thương mại điện tử. Nhưng từ góc độ bảo tồn, “nếu tất cả người bán đều chuyển sang trực tuyến, thì điều gì sẽ xảy ra với các chợ truyền thống”.
Nguyễn Phương Anh, một sinh viên 22 tuổi ở TP.HCM, đã ngừng đi chợ truyền thống vào năm ngoái và chuyển sang đặt mua toàn bộ thực phẩm qua mạng. Sự bận rộn và thời tiết oi bức ở TP.HCM đã khiến Phương Anh chọn đặt đồ online, nhưng khi muốn ăn món truyền thống, cô sẽ lại đến chợ để mua nguyên liệu địa phương.
“Mua tại chợ sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ như chỉ có chợ truyền thống mới bán cà tím xanh”, Phương Anh nói.
Tuy vậy, ông Thành cũng cho biết các chợ đầu mối như Đồng Xuân không thể cạnh tranh với các nền tảng thương mại điện tử trừ khi người bán cung cấp các sản phẩm độc đáo hoặc dịch vụ khách hàng cá nhân hóa.
Tại chợ Đồng Xuân, ngoài các mã QR cho chuyển khoản ngân hàng và số Zalo của chủ cửa hàng, rất ít dấu hiệu cho thấy người bán đã áp dụng thương mại điện tử.
Ông Hưng chưa từng tham gia các khóa đào tạo thương mại điện tử nào. Ông cho biết mối lo trước mắt là số lượng nhà cung cấp ngày càng ít và chi phí hoạt động cũng ngày càng tăng.
“Chúng tôi già rồi, không có khả năng bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Kiếm ăn còn không đủ sống, sao mà làm được”, ông Hưng bộc bạch.
Phương Linh