1. Kinh doanh

Tiết kiệm trước, chi tiêu sau giúp bạn có trong tay số tiền mình muốn

Hãy tiết kiệm trước, sau đó lên kế hoạch chi tiêu hợp lý với số tiền còn lại. Ảnh: Prudential.

Khi bạn nhận được tiền lương, việc trước tiên bạn cần làm là tiết kiệm, sau đó mới chi tiêu phần còn lại sau khi tiết kiệm. Điều này đặc biệt cần thiết với những người chưa có thói quen chi tiêu hợp lý.

Hãy thử tạo cho mình một chút ràng buộc. Ngay cả khi ăn kiêng, người ta cũng khuyên nên ăn cơm trong bát nhỏ thay vì ăn trong bát lớn. Cũng giống với những người thường không ăn nhiều nhưng lại có thể ăn hết phần cơm trộn trong chiếc bát to của mình, số tiền trong tài khoản mà bạn có thể gửi và rút ra tiêu được cũng tương tự như vậy. Nếu trong tài khoản của bạn để nhiều tiền, đương nhiên là bạn sẽ chi tiêu nó mà chẳng cần phải đắn đo hay lo lắng gì cả.

Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện về tháng lương đầu tiên của tôi. Trước khi bắt đầu xin việc tôi còn là một học sinh cấp ba, nên lúc đó tôi được nhận khoản tiền tiêu vặt là 50.000 won (khoảng 1 triệu VNĐ) một tháng. Lúc đó, mặc dù là không đủ nhưng tôi vẫn sống khá thoải mái với số tiền đó.

Sau khi tìm được việc làm, tôi nhận được số tiền lên tới là 1,61 triệu won (khoảng 32 triệu VNĐ). Đối với tôi, người đã từng sống với mức tiền sinh hoạt phí 50.000 won một tháng, thì đó là một số tiền lớn không thể tưởng tượng nổi. Tôi quyết định chi tiêu khoản tiền lương đầu tiên của mình với suy nghĩ “Thời gian qua mình đã vất vả quá rồi, vì vậy tháng lương đầu tiên hãy tiêu thật thoải mái!”

Đồng thời, tôi nghĩ: “Mình đã từng sống tốt chỉ với 50.000 won/tháng, vậy liệu mình có thể tiêu hết được số tiền này không?” Ôi chúa ơi! Tôi đã tiêu hết số tiền đó chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

Tôi từng không mua nhiều quần áo, nhưng lại nghĩ “Mình vẫn còn 1,5 triệu won trong tài khoản ngân hàng nên mình có thể sử dụng số tiền này!” và sau đó lại thoải mái mua sắm những bộ quần áo ngoài dự kiến trị giá khoảng 100.000 won (khoảng 2 triệu VNĐ).

Tôi còn đưa tất cả bạn bè của mình đến những nhà hàng đắt tiền mà trước đây tôi còn không thể tưởng tượng được mình sẽ ăn ở đó mà không một chút mảy may suy nghĩ. Vấn đề là dù có bỏ ra số tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy nhưng về mặt tâm lý tôi vẫn chưa cảm thấy hoàn toàn hài lòng.

Tôi tiêu tiền một cách không suy nghĩ và cứ tiêu vào cả những việc không đâu nên cuối cùng tôi đã tiêu sạch số tiền đó. Suy nghĩ về việc đã tiêu hết nhiều tiền như vậy, ngược lại đã khiến tôi cảm thấy hoài nghi. Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình không nên giữ nhiều tiền trong tài khoản thanh toán.

Nếu bạn nỗ lực tạo cho mình một chút áp lực và hình thành thói quen tiết kiệm trước, chi tiêu sau thì việc tích lũy tiền vốn sẽ trở thành chuyện rất dễ dàng. Bạn có thể nghĩ ‘Chẳng phải là bạn đang bảo phải tiết kiệm ngay sau khi nhận lương sao? Không có gì là đặc biệt cả’, nhưng nếu bạn yêu cầu tôi chọn ba điều quan trọng nhất trong đầu tư tài chính, thì việc này chính là một trong số ba điều quan trọng đó.

Khi lần đầu tiên quyết định cắt giảm chi tiêu, có thể bạn sẽ có tham vọng quá mức và cố gắng tiết kiệm nhiều hơn mức tiết kiệm thông thường. Như tôi đã nói trước đó, nếu bạn tiết kiệm tiền quá mức ngay từ đầu, bạn sẽ không bao giờ thích tiết kiệm nữa. Tốt nhất là bạn nên dành thời gian để thích ứng với phong cách tiêu dùng mà bạn đã cố gắng theo đuổi và tăng dần khoản tiết kiệm của mình.

Bbyonggeul/ Light books & NXB Hồng Đức

Tin khác