Tiếp thị trong thời kỳ bình thường mới
Trong những năm qua, rất nhiều thứ đã thay đổi, từ những tiến bộ công nghệ đã cách mạng hóa cách chúng ta giao tiếp cho đến những sự kiện làm rung chuyển toàn cầu như Covid-19. Tuy có nhiều điều không chắc chắn xung quanh những thay đổi này, nhưng có một yếu tố rất chắc chắn đó là: Cách thức chúng ta kinh doanh sẽ không bao giờ còn như cũ.
Và điều đó bao gồm cả cách chúng ta làm tiếp thị. Trước đây, một cách tiếp cận truyền thống hoặc theo quy trình có thể đã mang lại kết quả đáng tin cậy. Trong quyển sách này, chúng ta gọi cách tiếp cận này là tiếp thị chuyên nghiệp, thường gắn liền với các khái niệm như: phân khúc thị trường, nhắm đến mục tiêu, định vị, quản trị sản phẩm và thương hiệu. Phương pháp tiếp cận chậm rãi, từng bước một này có thể đã rất phù hợp với một kỷ nguyên ít kết nối hơn.
Tuy nhiên cách thức đó không còn đúng nữa. Thế giới ngày nay thay đổi và phát triển chóng mặt, đòi hỏi một chiến lược tiếp thị có thể phù hợp ở mọi nơi – và phải đủ linh hoạt để thay đổi khi cần thiết. Cách tiếp cận với tinh thần doanh chủ có thể là tấm vé giúp các tổ chức trở nên kết nối, linh hoạt và hướng tới kết quả.
Mặc dù khái niệm về tiếp thị với tinh thần doanh chủ không hẳn là mới, nhưng một phiên bản mở rộng hơn là cần thiết trong thời đại này. Định nghĩa ban đầu của khái niệm này đề cập đến sự kết hợp giữa yếu tố tiếp thị và yếu tố tinh thần doanh chủ. Tuy nhiên, do những phát triển gần đây trên toàn cầu, cách tiếp cận này cần phải bao quát một phạm vi rộng lớn hơn, với một góc nhìn toàn diện hơn.
Đó là một góc nhìn tích hợp tất cả các bộ phận khác của công ty. Một góc nhìn không chỉ giới hạn trong mô hình cục bộ thường tồn tại trước đây (như sự phân tách của bộ phận tiếp thị và các phòng ban khác). Đây cũng là sự hội tụ giữa tư duy doanh chủ và tư duy chuyên nghiệp.
Thể loại tiếp thị với tinh thần doanh chủ mới này chiếm vị trí trung tâm khi chúng ta xem xét thế giới đã bị đảo lộn như thế nào do đại dịch. Điều này vẫn quan trọng khi chúng ta đánh giá các công nghệ hiện có có thể kết nối tất cả. Khi nhìn về những năm sắp tới, chúng ta nhận thấy các sáng kiến như Mục tiêu Phát triển Bền vững đang dần tiến về thời điểm cần phải hoàn thành.
Liên Hợp Quốc đã thông qua những sáng kiến này vào năm 2015 như một khuôn khổ nhằm chấm dứt nghèo đói và bảo vệ hành tinh. Lộ trình của dự án này nhằm đạt được mục tiêu hoàn thành vào năm 2030.
Ở một số phương diện, phiên bản mới của tiếp thị với tinh thần doanh chủ này đã sẵn có một nền tảng hiện hữu. Ví dụ khi xem xét về công nghệ trực tuyến, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm những gì họ muốn, tìm hiểu về các công ty và thực hiện hành vi mua hàng.
Các doanh nghiệp nhỏ và lớn đều có thể tham gia vào hình thức giao tiếp tương tác này. Sự định hình này tạo điều kiện cho mức độ gắn kết và giữ chân khách hàng mạnh mẽ hơn, cũng như gia tăng hơn nữa mức độ trung thành.
Tiếp thị với tinh thần doanh chủ nâng những khả năng này lên một tầm cao mới. Phương thức này không chỉ kết nối với khách hàng mà còn có thể trao đổi trực tiếp với họ, vì vậy đây là một phương thức có tính thực tiễn hơn. (Doanh nghiệp muốn biết liệu giải pháp có hiệu quả hay không? Thay vì chạy một báo cáo thì chỉ cần hỏi khách hàng!)
Ngoài ra, những tiến bộ kỹ thuật số đã giúp việc tích hợp các chức năng khác nhau của một tổ chức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tiếp thị với tinh thần doanh chủ tương tác với các lĩnh vực khác, bao gồm tài chính, công nghệ và vận hành.
Cách thức này hỗ trợ khả năng lãnh đạo (và tự đảm nhận vai trò lãnh đạo) và lập chiến lược cho các sáng kiến; đồng thời ủng hộ sự đổi mới và khả năng phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi. Tiếp thị với tinh thần doanh chủ làm tăng thêm giá trị cho tổ chức và các cổ đông của tổ chức.
Nếu chúng ta xem xét liệu phương thức tiếp cận của tiếp thị với tinh thần doanh chủ có nhiều điểm tương đồng với phương thức tiếp cận của kinh doanh hay không, thì câu trả lời là có. Phương pháp này khuyến khích việc chấp nhận rủi ro và hướng tới kết quả, sự tập trung để tăng năng suất và luôn tìm kiếm cơ hội để cải thiện. Tiếp thị với tinh thần doanh chủ có rất nhiều tiềm năng to lớn mà các công ty có thể tận dụng để tăng trưởng.
Philip Kotler và nhiều tác giả/NXB Trẻ