Tiến sĩ Lý Quí Trung ra mắt sách 'Khác biệt để thành công'
Đối thoại: Xuất khẩu văn hóa ẩm thực ‘dọn đường’ cho xuất khẩu nông, thủy sản
Buổi ra mắt sách diễn ra sáng ngày 6-10 tại TPHCM có mặt nhiều doanh nhân, sinh viên và phần hỏi đáp trở thành dịp cho các doanh nhân trao đổi, thảo luận về nhượng quyền thương hiệu, bí quyết trong kinh doanh, các mô hình kinh doanh ở Việt Nam và thế giới…
Ông Trung kể: “Hôm tôi đến ăn ở nhà hàng Cục Gạch, cô bếp trưởng có ra chào và tự giới thiệu mình từng làm phụ bếp tại nhà hàng Thanh Niên của mẹ tôi cách đây mấy chục năm, lúc cô chỉ có 16-17 tuổi. Thì ra sau khi rời nhà hàng này cô đã từng đi qua nhiều cơ ngơi ẩm thực có uy tín khác ở nhiều vị trí khác nhau để cuối cùng trở thành một bếp trưởng chuyên nghiệp. Chủ nhà hàng Cục Gạch nói là phải đeo đuổi mấy năm mới mời được cô bếp trưởng này về cộng tác. Điều đó làm tôi rất vui và hãnh diện, nhưng có một chi tiết vô cùng thú vị là cô bếp trưởng này sau ngần ấy thời gian mà vẫn còn nhớ về một kỷ niệm liên quan đến cách mà mẹ tôi khen thưởng nhân viên. Cô kể rằng hôm đó mình được mời lên văn phòng để gặp “Cô Ba” (tên thân mật nhân viên gọi mẹ tôi) mà trong bụng đầy lo lắng, vì đối với một nhân viên lính mới như cô không có lý do gì để chủ nhà hàng muốn gặp riêng. Cô kể, khi vừa bước chân vô văn phòng, cô Ba không những không la rầy mà còn nở nụ cười trìu mến và khen ngợi cô đã làm việc rất tốt trong thời gian qua, rồi chỉ tay về phía cái giường mà cô Ba dành để nghỉ trưa, trên đó đã có sẵn vài món nữ trang bằng vàng chiếu lấp lánh. Cô Ba nói con có thể chọn một món trong số đó, thích món nào lấy món đó, coi như một phần thưởng khích lệ tinh thần. Quá bất ngờ và vui sướng, cô phụ bếp trẻ chọn đại một món mà không cần suy nghĩ gì nhiều. Cô nói đây là món nữ trang mang nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất đối với đời mình, nên giữ mãi nó ở trong ký ức quabao nhiêu năm tháng”.
Ông Trung chia sẻ câu chuyện nhỏ này làm ông suy nghĩ nhiều vì cách đối nhân xử thế, khen thưởng của mẹ ông không theo một trường lớp nào, nhưng rõ ràng đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí nhân viên. Thế nhưng, cách đây mấy chục năm khi mới đi du học Úc về, chính ông là người dị ứng với cách ứng xử, khen thưởng mang tính cá nhân riêng tư này của mẹ ông, vì nó đi ngược lại với những gì ông đã học từ trường đại học. Là khen thưởng phải đâu ra đó, càng công khai càng tốt, nếu được thì tiêu chuẩn hóa, quy định hóa các tiêu chí và chế độ khen thưởng để toàn thể nhân viên trong tổ chức được biết rõ ràng mà phấn đấu. Tuy nhiên, cách khen thưởng nhân viên của mẹ ông lại chứng minh rất hiệu quả.
“Tôi thích gọi những suy nghĩ hay cách làm có phần bất quy tắc này là “độc chiêu”, hay trong một chừng mực nào đó, là bí quyết góp phần tạo nên sự thành công”, ông nói.
Trong cuốn sách này ông cũng muốn đề cập đến những chiến lược, chiến thuật kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới mà ông thấy hay và ấn tượng. Trong đó có nhiều trường hợp độc chiêu không có nghĩa là độc nhất vô nhị chưa ai làm, mà là ấn tượng đối với ông, và ít nhiều đã góp phần làm nên một sự thành công nào đó.
Tiến sĩ Lý Quí Trung sinh năm 1966, một doanh nhân, nhà hoạt động xã hội, diễn giả và giảng viên đại học thỉnh giảng. Ông là thành viên sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, trong đó có chuỗi cửa hàng Phở 24 với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước. Các thương hiệu ẩm thực nổi bật khác bao gồm Nhà hàng Nam An, Nhà hàng Tân Nam, Nhà hàng An, Nhà hàng An Viên, chuỗi café Gloria Jean's Coffees, chuỗi tiệm bánh Breadtalk...
PV