Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội và thách thức - Bài 1: Sức hút từ hàng hóa siêu rẻ
Nhìn từ những con số
Theo công ty dịch vụ dữ liệu chuyên về thương mại điện tử ECDB (Hong Kong, Trung Quốc), Việt Nam là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 21 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan. Việt Nam cũng được đánh giá là "mảnh đất vàng" để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tại nước ta là điều tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình 25%/năm. Ước tính, có hơn 61 triệu người Việt mua sắm online và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD/năm.
Theo iPrice, một công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá, hiện có mặt tại Việt Nam và 6 quốc gia khác, các trang thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng thu hút nhiều người tiêu dùng Việt Nam, với 40% trong số họ cho biết đã từng mua hàng từ các nền tảng này.
Trong báo cáo "Thương mại điện tử Đông Nam Á 2024" của Momentum Works, một hãng nghiên cứu thị trường tại Singapore, cũng khẳng định: Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới trong năm 2023, với tốc độ tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa đạt gần 53%.
Dự báo, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tương tự trong năm 2024 và thời gian tới. Còn theo công bố từ nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến đạt 256.100 tỷ đồng vào năm 2026.
Những con số trên cho thấy sức hút của thương mại điện tử xuyên biên giới đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Sản phẩm siêu rẻ lên ngôi
"Lướt mạng, mua sắm đã trở thành thói quen của tôi từ 3 năm trở lại đây. Tôi có thể tiết kiệm thời gian, không phải đến cửa hàng mà vẫn có thể lựa chọn sản phẩm và so sánh giá của nhiều nhà bán khác. Nếu tận dụng được các đợt khuyến mại, giảm giá thì tôi có thể mua được hàng hóa với giá khá mềm", chị Bùi Bích Phương (Hà Nội) chia sẻ.
Từ góc độ kênh phân phối, anh Hoàng Văn Anh - đại diện Max shop, đơn vị nhận đặt hàng và giao hàng từ nước ngoài về Việt Nam, đánh giá: "Giá cả cạnh tranh, sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng; các mã giảm giá, chương trình khuyến mãi được "tung" ra thường xuyên là những lý do chính để người tiêu dùng chọn mua sắm trên các nền tảng bán hàng xuyên biên giới.
Ví dụ, một chiếc áo phông nữ, giá bán ở thị trường trong nước dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng/chiếc. Nếu dành thời gian "mò mẫm" trên các sàn thương mại điện tử như Shein hay Taobao thì bạn có thể mua được với giá 60.000 - 80.000 đồng.
Một số sàn thương mại điện tử xuyên biên giới còn áp dụng miễn phí giao hàng, thời gian giao hàng về Việt Nam chỉ khoảng 3-5 ngày. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, phải thắt chặt chi tiêu thì việc ưu tiên về giá là tâm lý dễ hiểu của nhiều người tiêu dùng".
Theo khảo sát của Nielsen, công ty nghiên cứu thị trường đang hoạt động tại 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam, có 66% số người được hỏi là nữ cho biết họ ưu tiên các sản phẩm có giá cả hợp lý và thường xuyên tìm kiếm khuyến mãi. Các mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm và đồ gia dụng là những sản phẩm được họ ưa chuộng nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giá rẻ, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng khi đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Một số rủi ro thường gặp bao gồm: Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, sản phẩm thật không giống như mẫu mã giới thiệu; chính sách đổi trả và dịch vụ khách hàng không rõ ràng...
Đặc biệt, khi có tranh chấp xảy ra, quyền lợi của người tiêu dùng khó được đảm bảo một cách trọn vẹn do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm luật pháp, chính sách của nền tảng thương mại điện tử ở mỗi quốc gia…
Bài sau: Nữ doanh nhân và nỗi lo cạnh tranh
Anh Quân