Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội tăng tốc
Tiềm năng dồi dào để bứt tốc
Tại Hội nghị thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới 2024 (tổ chức ngày 9/10/2024), ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ toàn cầu ước đạt 5,8 nghìn tỷ USD. Dự báo, lĩnh vực này sẽ tăng 39% trong những năm tới, vượt 8 nghìn tỷ USD vào năm 2027. “Với sự phát triển liên tục của TMĐT toàn cầu cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với TMĐT, bao gồm TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới để mở rộng dấu ấn quốc tế” - ông Gijae Seong nói.
Theo báo cáo của Access Partnership, giá trị xuất khẩu TMĐT B2C (bán lẻ) của Việt Nam năm 2023 đạt 86 nghìn tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đóng góp 26%. Đáng chú ý, 93% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được khảo sát cho rằng, doanh nghiệp của họ sẽ không thể phát triển nếu không có TMĐT.
Số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon từ các đối tác bán hàng Việt Nam tăng hơn 300%. Top 5 danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon bao gồm các mặt hàng về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp. Trong đó, gỗ là sản phẩm bán chạy nhất trong nhiều năm; tiếp theo là các sản phẩm may mặc với nhiều thương hiệu của Việt Nam; ngành làm đẹp cũng có cơ hội lớn vì kết hợp được giữa sản xuất với công nghệ địa phương.
Bên cạnh đó, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon tăng gấp 35 lần. Số lượng nhà bán hàng triệu đô đã tăng gấp 10 lần so với thời điểm chính thức bán hàng TMĐT xuyên biên giới. “Đó là minh chứng cho tiềm năng dồi dào của Việt Nam để bứt tốc với TMĐT toàn cầu” - lãnh đạo Amazon Global Selling Việt Nam nói.
Cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng
Bà Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc Quản lý và Phát triển nhà bán hàng Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, cơ hội để nhà bán hàng Việt Nam tăng tốc TMĐT xuyên biên giới khá lớn. Tuy nhiên, “nhà bán hàng cần lưu ý, nên tăng giá trị thông qua cải tiến sản phẩm nhưng không chỉ tập trung duy nhất ở khâu sản xuất sản phẩm vì hoàn toàn có thể bị cạnh tranh về giá. Do đó, nên đầu tư vào sản phẩm ở các khâu, từ xây dựng câu chuyện cho sản phẩm đến khi đưa ra thị trường. Đây là phần đòi hỏi đến 80% công lực của nhà bán hàng” - bà Ngọc nói.
Đáng chú ý, theo bà Ngọc, nhà bán hàng cần phải nắm bắt xu hướng tiêu dùng và các nhà bán hàng có thể tập trung vào đó để bứt phá trong thời gian tới. Cụ thể, hiện thị trường sản phẩm ngoài trời chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của Statista, thị trường làm vườn đang phát triển mạnh mẽ, dự kiến đạt 80,86 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Đại diện Amazon nhận định, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất đã nhận ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm sân vườn và bắt đầu khai thác thị trường mới nổi này. Bằng việc tận dụng các nguyên liệu địa phương phong phú như tre, xơ dừa, rêu rừng và nhựa tái chế, các nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon đã phát triển một loạt các sản phẩm làm vườn thân thiện với môi trường, trong đó có thể kể tới các loại chậu cây phân hủy sinh học, cọc leo cây và phân bón hữu cơ nằm trong những mặt hàng phục vụ nhu cầu của nhóm tiêu dùng quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi trường.
Thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo này và thực hành sản xuất bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm lợi thế để đáp ứng nhu cầu đối với xu hướng các giải pháp sân vườn xanh và thân thiện với thiên nhiên ngày càng tăng cao trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, thị trường quà tặng cũng đang “lên ngôi”, trong đó, riêng thị trường quà tặng bán lẻ Bắc Mỹ được dự kiến sẽ tăng trưởng từ 14 tỷ USD vào năm 2024 lên 17,13 tỷ USD vào năm 2029. Với ngành hàng này, Amazon nhận định, các nhà bán hàng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khai thác các xu hướng quà tặng mới nổi để phát triển trong tương lai vì sự đa dạng đầy bất ngờ của nhóm hàng này hiện đang kinh doanh trên Amazon.
Đại diện Amazon khẳng định, các nhà bán hàng Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác thị trường đang lên này bằng cách cung cấp các sản phẩm có thiết kế và chức năng sáng tạo như hộp hay kệ phân loại đồ dùng được thiết kế riêng, giải pháp lưu trữ và sắp xếp đồ đạc, hay bộ dụng cụ làm đồ nội thất thủ công cho góc học tập. Thêm vào đó, các danh mục quà tặng như bình nước, hộp cơm trưa thân thiện với môi trường và đồ chơi giáo dục tương tác sẽ thu hút các bậc phụ huynh có nhu cầu cân bằng giữa tính tiện dụng và sự bền vững.
Nhật Thu