Thương mại điện tử gia tăng áp lực giảm phát tại Trung Quốc
Theo nhận định của giới chuyên gia, không có nền tảng thương mại điện tử nào phản ánh tình trạng giảm phát của Trung Quốc rõ ràng như Pinduoduo. Nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc là điểm đến mua sắm ưa thích của người tiêu dùng trong bối cảnh tài chính khó khăn.
Tâm lý tiêu dùng tại quốc gia tỷ dân đang ngày càng tiêu cực, chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, thị trường lao động suy yếu. Người dân hạn chế chi tiêu và chủ động tiết kiệm nhiều hơn trước.
"ĐỔ THÊM DẦU VÀO LỬA"
Công ty nghiên cứu Rhodium Group chỉ ra trong một báo cáo rằng dù chính phủ Trung Quốc đã công bố những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhưng áp lực giảm phát - một trong những vấn đề quan trọng nhất - lại chưa được giải quyết.
Chỉ số điều chỉnh GDP (GDP deflator) của Trung Quốc, đo lường mức giá trung bình của tất cả mọi hàng hóa và dịch vụ được tính vào GDP, đã giảm ở 5 quý liên tiếp. Đây là chuỗi giảm dài nhất được ghi nhận trong một phần tư thế kỷ.
Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ sản xuất từ chính phủ đã giúp cho hệ thống nhà máy hoạt động ổn định nhưng lại khiến đất nước và các đối tác thương mại đối mặt với một lượng lớn hàng hóa dư thừa, từ đó tác động tiêu cực đến giá cả.
Thêm vào đó, phong trào cạnh tranh của các nền tảng thương mại điện tử trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi mà các hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng “bùng nổ” tại quốc gia tỷ dân. Hiện nay, khoảng 60% người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua thương mại điện tử và doanh thu chiếm hơn một phần ba tổng doanh thu bán lẻ, theo HSBC thống kê.
"Pinduoduo vừa là hậu quả vừa là một phần nguyên nhân của giảm phát," ông Donald Low, một giáo sư thực hành chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận xét.
Thành lập vào năm 2015, Pinduoduo đã chứng kiến đà phát triển nhanh chóng hơn hẳn so với các đối thủ nội địa. Gần đây nhất, công ty bắt đầu gây được tiếng vang trên trường quốc tế khi cho ra mắt nền tảng Temu ở nước ngoài.
Trong quý gần nhất, Pinduoduo cho biết doanh thu tăng vọt 86%. Tuy nhiên, công ty cũng cảnh báo rằng lợi nhuận tương lai có thể giảm nhẹ vì họ đang từng bước củng cố kế hoạch đầu tư cho các nhà bán hàng chất lượng cao.
Tỷ phú Colin Huang - nhà sáng lập Pindoudou từng nói rằng một trong những giá trị cốt lõi của công ty không phải là bán hàng hóa giá rẻ, mà là cung cấp những sản phẩm khiến khách hàng cảm thấy có giá trị cao hơn so với số tiền họ bỏ ra.
CHIÊU BÀI HẠ GIÁ
Trong suốt nhiều năm, các nhà kinh tế đã nghiên cứu hậu quả của thương mại điện tử đối với giá cả. Vào giữa thập niên 2010, giới chuyên gia đã đề cập đến cái được gọi là “Hiệu ứng Amazon” - thuật ngữ chỉ các biến đổi trong ngành bán lẻ do sự lớn mạnh của thương mại điện tử. Hầu hết các nhà bán lẻ, bao gồm cả Amazon, đều theo dõi giá cả trên nền tảng đối thủ và sau đó điều chỉnh giá của mình thông qua phương pháp định giá động, tức là giá cả thay đổi theo điều kiện thị trường.
Giáo sư Alberto Cavallo tại Trường Kinh doanh Harvard lập luận, thương mại điện tử đang làm giá cả nhạy cảm hơn với các cú sốc kinh tế, chẳng hạn như chi phí năng lượng tăng cao. Ông lưu ý rằng giá có thể tăng mạnh nếu cú sốc mang tính lạm phát.
“Trung Quốc có thể đang trải qua một thực trạng tương tự nhưng theo hướng ngược lại. "Cú sốc" từ một nền kinh tế suy thoái đang tạo áp lực giảm giá và xu hướng này được đẩy nhanh bởi các nền tảng thương mại điện tử. Thành công của Pinduoduo đã buộc hai đối thủ lớn nhất, Alibaba và JD.com, chẳng còn cách nào khác ngoài việc bước vào một cuộc chiến giá cả”, giáo sư Alberto Cavallo giải thích.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Lulu Qi, một người bán hàng lâu năm trên Pindoudou tiết lộ rằng những yêu cầu của nền tảng đang trở nên quá tải. Pindoudou trực tiếp đề nghị cô hạ giá thành theo mức hướng dẫn của nền tảng để có thể kéo khách hàng tiềm năng đến với gian hàng. Nhưng Lulu Qi không thể làm được điều đó vì mức giá bán đề xuất có khi còn thấp hơn cả giá nhập gốc.
Nhiều chính sách khác của Pinduoduo cũng khiến người bán khó kiếm tiền. Ví dụ, nếu người mua không hài lòng với sản phẩm, họ có thể yêu cầu hoàn tiền mà không cần trả lại hàng. Điều này xảy ra với Lulu Qi khoảng năm lần mỗi ngày.
Tương tự, khi Lin Yunyun bắt đầu kinh doanh trên Pinduoduo, một trong những nền tảng thương mại điện tử thành công nhất tại Trung Quốc, cô không hề chuẩn bị cho việc liên tục bị yêu cầu giảm giá sản phẩm. Thậm chí, Pinduoduo không ngừng gửi “nhắc nhở” người bán mỗi khi có “đối thủ” hạ giá thấp hơn. Cho đến khi Lin Yunyun chấp nhận giảm giá, trang web sẽ tạm thời quảng bá sản phẩm của cô trong vài ngày nhưng rồi sau đó lại yêu cầu giảm thêm để tiếp tục thu hút khách hàng.
"Nền tảng liên tục nhắc tôi giảm giá. Nhưng nếu hạ thêm nữa, tôi sẽ không thể nào có lãi”, Lin Yunyun than thở.
Tuy vậy, các nhà bán hàng thừa nhận rằng thật khó để rời khỏi Pinduoduo vì khách hàng ở đây rất trung thành.
Một người mua hàng trên Pinduoduo, Gao Ning chia sẻ với New York Times rằng ban đầu anh khá e ngại khi sử dụng nền tảng này nhưng thấy đây là cách tiện lợi nhất để mua thực phẩm. Giờ đây, anh mua hầu hết mọi vật dụng hàng ngày, từ giấy vệ sinh, túi rác, nước rửa chén và thức ăn cho mèo trên Pindoudou. “Dù sao đi chăng nữa, Pinduoduo vẫn cung cấp mức giá rẻ hơn nơi khác một chút. Người tiêu dùng như chúng tôi luôn muốn tìm được một món hời trên thương mại điện tử trong bối cảnh kinh tế như hiện nay”, Gao Ninh cho biết.
Về phần mình, các nhà quản lý Trung Quốc cũng đã thiết lập một quy tắc mới nhằm ngăn chặn các nền tảng trực tuyến áp đặt một số hạn chế vô lý đối với giá cả, quy tắc giao dịch và lưu lượng truy cập của người bán.
Bảo Trâm