Thương hiệu Việt kể chuyện trên sân chơi toàn cầu
Thương hiệu Việt chuyển mình
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang thay đổi sâu sắc các ngành công nghiệp, thương mại điện tử đang nổi lên như một "chất xúc tác" quan trọng thúc đẩy các thương hiệu Việt tiếp cận thị trường toàn cầu.
Các doanh nghiệp nội địa, vốn quen thuộc với mô hình gia công truyền thống, giờ đây có cơ hội trực tiếp mang sản phẩm đến tay người tiêu dùng quốc tế.
Câu chuyện của Thyoi - thương hiệu sản xuất các sản phẩm từ gỗ tràm là minh chứng điển hình cho sự chuyển mình mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt khi bước ra thế giới thông qua thương mại điện tử.
Thyoi khởi đầu với vai trò là nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn trên thế giới, với hàng chục triệu sản phẩm đã được xuất khẩu mỗi năm.
Tuy nhiên, trải qua ba thế hệ kinh doanh, tham vọng của thương hiệu không dừng lại ở việc gia công cho đối tác nước ngoài.
Với khát vọng xây dựng một thương hiệu "Made in Vietnam" thực thụ, Thyoi đã quyết định chuyển hướng chiến lược, tham gia vào mô hình bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới.
Động thái này không chỉ là một thay đổi về tư duy kinh doanh, mà còn yêu cầu thương hiệu phải tái cấu trúc lại tổ chức, đầu tư mạnh vào thiết kế và phát triển sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thương mại điện tử đã mở ra cho Thyoi cánh cửa tiếp cận với thị trường toàn cầu, nơi mà các doanh nghiệp không còn phải chịu sự giới hạn bởi quy mô địa lý.
Tuy nhiên, thử thách vẫn còn rất lớn khi bước chân vào một sân chơi mới, đòi hỏi sự thích ứng liên tục về vận hành, phân phối, và định vị thương hiệu.
Chính tại đây, nền tảng Amazon đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Thyoi vượt qua những trở ngại ban đầu.
Các công cụ tiên tiến như Brand Analytics và Voice of the Customer không chỉ giúp Thyoi nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế mà còn tối ưu hóa chiến lược sản phẩm theo hướng cá nhân hóa.
Kết quả chỉ trong vòng bảy tháng kể từ khi ra mắt trên Amazon đầu năm 2024, dòng sản phẩm thảm sàn gỗ tràm của Thyoi đã vươn lên thành một trong những mặt hàng bán chạy trên nền tảng này.
Các doanh nghiệp Việt đang nắm bắt thời cơ khi thị trường thương mại điện tử nội địa và quốc tế đều đang trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ.
Bước ra "sân khấu" lớn
Theo báo cáo của Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt giá trị khoảng 23 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm 19%, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và tốc độ phát triển của thị trường này.
Đây là một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường ra ngoài biên giới, đồng thời khẳng định vị thế của thương hiệu Việt trên trường quốc tế.
Sunhouse là một trong những thương hiệu tiêu biểu khác đã tận dụng tốt xu hướng này. Vốn là một tên tuổi lớn trong ngành gia dụng nội địa, Sunhouse quyết định mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu bằng cách đưa sản phẩm lên nền tảng Amazon.
Nhờ vào các công cụ phân tích hiện đại như Product Opportunity Explorer, công ty đã nhận diện và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế, đồng thời tối ưu hóa danh mục sản phẩm.
Nhờ đó, đến cuối tháng 9/2024, Sunhouse đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 30% so với cùng kỳ năm trước, có những tháng tăng trưởng đạt tới 50 - 100%.
Điều đáng chú ý là không chỉ có những ngành hàng gia dụng và thủ công, mà ngay cả những lĩnh vực đòi hỏi sự đặc thù về chất lượng sản phẩm như cà phê cũng đang tận dụng thương mại điện tử để tiến xa hơn.
Trung Nguyên Legend – thương hiệu cà phê nổi tiếng của Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn chiến lược phát triển toàn cầu của mình bằng cách sử dụng dữ liệu từ Amazon để thấu hiểu sâu sắc hơn về sở thích của người tiêu dùng Mỹ.
Sau khi nhận thấy sự ưa chuộng của khách hàng đối với các hương vị như hạt phỉ và mocha, Trung Nguyên đã tập trung nguồn lực vào các sản phẩm cà phê phù hợp, đồng thời mở rộng danh mục sang các sản phẩm cà phê dạng viên nén cao cấp.
Chỉ sau bốn năm có mặt trên nền tảng này, Trung Nguyên đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường toàn cầu, đưa cà phê "Made in Vietnam" trở thành một lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Với sự hỗ trợ từ thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ vượt qua được những rào cản truyền thống về địa lý và phân phối mà còn có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược tiếp cận khách hàng quốc tế.
Các nền tảng như Amazon, eBay, Alibaba cung cấp không chỉ kênh bán hàng mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh thông qua việc phân tích dữ liệu người tiêu dùng, cải thiện chuỗi cung ứng và nâng cao hiệu quả tiếp thị. Đây là một lợi thế lớn giúp các doanh nghiệp Việt tự tin bước ra thế giới với tâm thế của người dẫn đầu.
Hơn bao giờ hết, thương mại điện tử không chỉ là một kênh bán hàng mà còn là chiến lược dài hạn giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc tế.
Đối với các thương hiệu như Thyoi, Sunhouse, Trung Nguyên Legend, thương mại điện tử chính là cầu nối giúp họ vươn mình ra ngoài biên giới, mang theo không chỉ sản phẩm mà còn cả câu chuyện của nền văn hóa Việt Nam.
Việt Hưng