Thung lũng Silicon 'biến chất'
Trong tâm thức của nhiều người, Thung lũng Silicon từ lâu đã gắn liền với hình ảnh của sự sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp và phong cách lãnh đạo tự do, cởi mở. Tuy nhiên, những năm gần đây, nơi này lại chứng kiến sự nổi lên của một trào lưu lãnh đạo mới - "Founder Mode" (chế độ nhà sáng lập).
Kim Scott, tác giả cuốn sách nổi tiếng Radical Candor: Be a Kick-Ass Boss Without Losing Your Humanity, gọi xu hướng "chế độ nhà sáng lập" như một dấu hiệu của chủ nghĩa độc đoán đang lan tràn trong những góc quyền lực nhất của Thung lũng Silicon.
Điều này đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về tương lai của ngành công nghệ và chính trị Mỹ. Đặc biệt là khi một số nhân vật quyền lực trong lĩnh vực này đang thể hiện sự ủng hộ cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử.
Vùng đất từng nuôi dưỡng sự nổi loạn, thay đổi trật tự thế giới
“Chế độ nhà sáng lập” là một kiểu lãnh đạo mà người sáng lập công ty nắm giữ toàn quyền quyết định, không cần sự tham vấn từ các cấp dưới hay đồng nghiệp. Đối với nhiều người, chế độ này là một phần của chủ nghĩa chống lại kiểm soát từ chính phủ hay các cơ chế giám sát nội bộ.
Scott cho rằng “chế độ nhà sáng lập” hoàn toàn trái ngược với các giá trị lịch sử của Thung lũng Silicon. Chống lại quyền lực độc đoán là tinh thần chung những nhà sáng lập đầu tiên của nơi này luôn hướng tới.
Đơn cử như năm 1957, 8 kỹ sư đã rời Shockley Semiconductor để sáng lập Fairchild Semiconductor, vì không thể chấp nhận sự kiểm soát độc tài của sếp. Đến năm 1968, 2 trong số những nhà sáng lập đó vì thất vọng với cách các ông chủ ở Fairchild đối xử lại nghỉ việc để thành lập nhà sản xuất chip tên là Intel.
Thời đó, các nhà đầu tư mạo hiểm thường đầu tư vào những nhà sáng lập nổi loạn, những người dám thách thức trật tự đã được thiết lập. Tuy nhiên, khi những nhà nổi loạn này dần trở thành “vua”, họ cũng nhanh chóng bị lật đổ. Quyền lực tập trung và kiểm soát chỉ giết chết sự đổi mới, Kim Scott nói.
Bà trích dẫn nghiên cứu của Amy C. Edmondson, tác giả của cuốn sách The Fearless Organization và các nghiên cứu của Google, để thấy rằng những nhóm không sợ hãi nói ra sự thật với người đang nắm quyền lực sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Các nhà lãnh đạo thực sự không phải là những kẻ bắt nạt, mà là những người biết lắng nghe và tạo điều kiện cho hợp tác.
Đây cũng là lý do nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin không muốn trở thành những ông chủ chuyên quyền, bất kể công ty có phát triển đến mức nào. Tập đoàn công nghệ Mỹ đã xây dựng một hệ thống quản lý tập trung vào sự kiểm soát lẫn nhau. Đây là nơi mà ngay cả nhà sáng lập và CEO cũng không được phép đưa ra quyết định độc lập.
“Tại Google, tư tưởng về quyền lực tập trung vào một người là vô lý và chắc chắn sẽ thất bại. Tại sao lại thuê những người thông minh nhất thế giới chỉ để kiên quyết từ chối lắng nghe lời họ nói?”, tác giả Scott đặt vấn đề.
Những người ủng hộ “chế độ nhà sáng lập” thường dùng Steve Jobs làm hình mẫu lý tưởng. Nhưng theo Scott, điều này cho thấy mọi người đang hiểu lầm về thành công của Jobs. Theo Edwin Catmull, đồng sáng lập Pixar, Jobs chỉ thực sự thành công khi ông từ bỏ cách quản lý độc đoán và học cách hợp tác với các nhà lãnh đạo xuất sắc như Tim Cook.
Cook từng nói: “Chúng tôi thuê nhân tài để họ chỉ cho chúng tôi phải làm gì, chứ không phải ngược lại”. Thành công của Jobs nằm ở việc xây dựng mối quan hệ gần gũi với các cộng sự, như Jony Ive và Tim Cook. Họ là những người luôn trung thành và gắn bó với ông.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc đoán tại Thung lũng Silicon
Song, hiện nay, dưới bóng dáng của những người sáng lập đầy quyền lực, các nền tảng công nghệ lớn như Twitter đã dần chuyển hướng khỏi mục tiêu ban đầu.
Twitter từng được ca ngợi như một công cụ đề cao tính dân chủ và góp tay vào phong trào chống lại sự bất công xã hội như #MeToo và #BlackLivesMatter. Nhưng kể từ khi mua lại Twitter vào năm 2022, Musk đã sa thải 80% nhân viên và đưa ra hàng loạt quyết định quan trọng mà không cần tham vấn ý kiến từ bất kỳ ai. Nền tảng này đã biến thành công cụ củng cố quan điểm cá nhân của ông.
Vị tỷ phú không ngần ngại sử dụng Twitter để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử của Donald Trump và lan truyền thông tin sai lệch về các chính trị gia khác như Kamala Harris và Tim Walz. Tính đến tháng 1/2024, giá trị của Twitter đã giảm xuống chỉ còn 12,5 tỷ USD, so với mức 44 tỷ USD mà Musk đã chi ra để mua lại.
Musk không phải là người duy nhất. Nhà sáng lập FTX Sam Bankman-Fried cũng được biết đến với phong cách lãnh đạo không chấp nhận sự phản biện hay kiểm soát từ bất kỳ ai. Phong cách quản lý độc đoán này đã khiến FTX sụp đổ và Bankman-Fried phải đối mặt với án tù, tác giả Scott viết.
Điều đáng lo ngại là những người như Musk và một số nhà đầu tư mạo hiểm quyền lực, bao gồm cả Andreessen Horowitz, đang cổ vũ cho một kiểu quản lý được Scott gọi là "techno-authoritarianism" (chủ nghĩa độc đoán công nghệ).
Marc Andreessen, đồng sáng lập Andreessen Horowitz, thậm chí đã viết một bản tuyên ngôn. “Không có kiệt tác nào không có tính hung hãn. Công nghệ phải là một cuộc tấn công bạo lực vào các thế lực chưa biết, để buộc chúng phải cúi đầu trước con người”, ông viết.
Vấn đề không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghệ mà còn lan rộng sang chính trị. Với sự hỗ trợ tài chính và quyền lực khổng lồ từ những nhà đầu tư như Musk và Andreessen, Scott cho rằng Donald Trump có thể tái đắc cử và tiếp tục duy trì chính sách điều hành độc đoán của mình.
Tác giả nhận định: “Có vẻ những người ủng hộ Trump tại Silicon Valley tin rằng vị trí tổng thống có thể mua được”. Nếu Trump thắng cử và thực hiện các chính sách có lợi cho giới công nghệ độc đoán này, hậu quả sẽ là sự thụt lùi không chỉ của nền dân chủ Mỹ mà còn của lĩnh vực công nghệ vốn dĩ rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng chế độ độc tài, dù trong doanh nghiệp hay quốc gia, không bao giờ mang lại kết quả tốt. Scott kết luận: “Siêu năng lực của nhân loại nằm ở khả năng hợp tác. Những nhà lãnh đạo vĩ đại sẽ biết cách kết nối và làm việc cùng mọi người, thay vì thống trị họ. Chúng ta cần những nhà sáng lập như vậy, không phải những người lãnh đạo bằng sự đe dọa và quyền lực tập trung”.
Thúy Liên