1. Kinh doanh

Thực hư văn hóa làm việc '9127' gây kiệt sức tại Temu

Temu là ứng dụng mua sắm tiềm năng, được phát triển bởi đội ngũ nhân sự nòng cốt của PDD. Ảnh: Xuân Sang.

PDD Holdings, chủ sở hữu của nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo, công ty thương mại điện tử Temu, nổi tiếng với văn hóa “996” khắc nghiệt, yêu cầu nhân sự làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày/tuần.

Theo các nhà phân tích của Bernstein Research, Temu đạt hiệu suất hoạt động vượt trội kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2022. Văn hóa làm việc “996” thậm chí còn bị nghi ngờ biến thành “9127”, làm việc từ 9h sáng đến 12h đêm trong 7 ngày/tuần, ở doanh nghiệp này, theo Business Insider.

Nhân sự PDD Holdings đối mặt với văn hóa làm việc khốc liệt, dẫn đến những hệ quả không mong muốn, phản ánh một phần thị trường lao động trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Ảnh: Temu.

Làm việc đến chết

Theo các nhà phân tích của Bernstein Research, bộ máy của PDD Holdings tương đối tinh gọn, góp phần rút ngắn thời gian đưa ra quyết định, hành động. PDD cũng đặt đội ngũ nhân sự nòng cốt tại Temu, cho thấy kỳ vọng về sự phát triển của công ty TMĐT này trong những năm tới.

Song, cường độ làm việc khốc liệt tại Temu khiến tỷ lệ nhân sự nghỉ việc luôn đạt mức cao. Văn hóa “996” khắc nghiệt cũng được nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba hay JD.com hưởng ứng.

Văn hóa “9127” là một cách nói phóng đại của chế độ làm việc căng thẳng này, nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Đại diện Temu từng từ chối trả lời yêu cầu bình luận về văn hóa làm việc độc hại này từ phía báo chí.

Vào năm 2021, cái chết của 2 nhân viên Pinduoduo từng gây rúng động, trở thành tiêu điểm bàn luận trên toàn thế giới. Trong khi một người tự tử, người kia gục ngã và tử vong trên đường về nhà sau nửa đêm.

Sau đó, Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành điều tra về điều kiện làm việc của Pinduoduo.

Theo CNN, nhân sự thuộc thế hệ Millennials và Gen Z xứ tỷ dân ngày càng thể hiện rõ thái độ phản đối hoạt động OT, ưu tiên cân bằng bằng cuộc sống cá nhân và công việc.

Đây là hệ quả tất yếu của văn hóa “996” khét tiếng. Nhiều nhân sự trẻ chống đối văn hóa làm việc độc hại này, từ chối xử lý công việc ngoài giờ hành chính, quyết định từ chức, thậm chí tổ chức ăn mừng sau khi nghỉ việc.

Tham vọng bành trướng thế giới của PDD là một phần nguyên nhân của văn hóa làm việc độc hại tại đây. Ảnh: PDD Holdings.

Tham vọng của Pinduoduo, Temu

Pinduoduo ra mắt tại Trung Quốc vào năm 2015, tập trung phục vụ thị trường nội địa và cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Là một trong các ứng dụng mua sắm lớn nhất của xứ tỷ dân, Pinduoduo tiên phong trong việc phát triển mô hình mua theo nhóm, khuyến khích nhiều khách hàng cùng đặt đơn để hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, Temu bành trướng quốc tế, vẫn tập trung bán hàng hóa giá rẻ và thường bị so sánh với Shein. Theo các nhà phân tích của Bernstein, Temu có khả năng giữ chân khách hàng tốt hơn, dù Shein được người tiêu dùng biết đến trước và nhiều hơn.

Trong phép so sánh với Shein, Temu dành tiền cho việc tạo ra chỗ đứng trong tâm trí khách hàng về sản phẩm ứng dụng hàng ngày, thay vì tập trung tiếp thị qua người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Những người bán hàng trò chuyện với nhóm nghiên cứu của Bernstein Research thường dành lời khen cho chiến lược của Temu, tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thế lực đáng gờm này.

Với tham vọng bành trướng toàn thế giới, PDD Holdings có khả năng bóc lột sức lao động của nhân sự, cho thấy văn hóa làm việc khắc nghiệt trong ngành công nghệ ở Trung Quốc.

Linh Vũ

Tin khác