Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC) là gì?
Mục Lục
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia (CIC)
Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia trong tiếng Anh là Credit Information Center, viết tắt là CIC.
CIC là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), thực hiện chức năng đăng kí tín dụng quốc gia; thu nhận, xử lí, lưu trữ, phân tích thông tin tín dụng; phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng; chấm điểm, xếp hạng tín dụng pháp nhân và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ cho yêu cầu quản lí nhà nước của NHNN; cung ứng sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng theo qui định của NHNN và pháp luật.
Hiểu theo cách đơn giản CIC là cầu nối để ngân hàng và như tổ chức tín dụng có căn cứ để xác thực tín dụng của cá nhân hoặc tổ chức.
Tính điểm tín dụng cá nhân theo CIC
- CIC tính điểm tín dụng cá nhân cho khách hàng dựa trên các thành phần sau:
Lịch sử thanh toán nợ
Đây là chỉ số chiếm 35% trong số điểm tín dụng, phản ánh khách hàng có thanh toán nợ đúng hạn thanh toán hàng tháng, trả hết nợ hay trả trễ hạn…
Các khoản nợ tín dụng
Chiếm 30% tổng số điểm tín dụng, điều này phản ảnh tất cả số nợ bạn đã nợ ngân hàng, bao gồm các hình thức vay tín chấp và vay thế chấp. Theo các chuyên gia, người đạt điểm số lí tưởng thường có xu hướng duy trì tỷ lệ nợ tín dụng ở mức trung bình là 7%.
Lịch sử tín dụng
Chiếm 15% số điểm tín dụng. Đây là con số hiển thị tuổi thọ của tài khoản tín dụng tính từ thời điểm được mở cho đến hiện tại. Thời gian này càng dài thì càng tốt, bởi các ngân hàng hay tổ chức tín dụng có thể đánh giá hành vi tài chính của khách hàng được tổng thể và toàn diện hơn.
Tín dụng mới
Chiếm 10% số điểm tín dụng. Việc mở tài khoản tín dụng mới trong thời gian ngắn sẽ không được các ngân hàng và tổ chức tín dụng chấm điểm cao. Thông thường, một tài khoản tín dụng phải có hoạt động ít nhất là 6 tháng sẽ dễ được tính điểm tốt hơn.
Loại tín dụng
Chiếm 10% số điểm tín dụng. Loại tín dụng là chỉ số bao gồm tất cả các hình thức tín dụng mà bạn đang có như: thẻ tín dụng, các khoản vay (vay mua nhà, mua xe, kinh doanh…). Nếu bạn đã từng vay rất nhiều khoản vay khác nhau và có khả năng chi trả đúng hạn và trả hết nợ chứng tỏ bạn là người có khả năng quản lí tài chính của mình rất tốt, sẽ được ngân hàng và các tổ chức tín dụng đánh giá cao.
- Với các tiêu chí trên, mỗi khách hàng vay vốn sẽ có điểm tín dụng nhất định từ 176 – 753 và được xếp tương đương với 14 hạng rủi ro. (chi tiết xem tại: cic.org.vn)
- Sau khi đã xác định được điểm tín dụng dành cho cá nhân doanh nghiệp, CIC cũng sẽ xếp loại khách hàng vào 5 nhóm tín dụng sau:
Nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn nghĩa là nợ không quá hạn từ 1 đến dưới 10 ngày. Ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể thu nợ được cả gốc lẫn lãi.
Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý – nợ quá hạn từ 10 đến 89 ngày.
Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn – nợ quá hạn từ 90 đến 179 ngày.
Nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ – nợ quá hạn từ 180 đến 364 ngày.
Nhóm 5: Dư nợ có khả năng mất vốn – nợ quá hạn từ 365 ngày trở lên.
Nhận xét:
Nếu khách hàng bị rơi vào từ nhóm 3 đến nhóm 5 thì đồng nghĩa điểm tín dụng của khách hàng đó rất thấp và khó được các ngân hàng và tổ chức tín dụng đồng ý xét duyệt cho các khoản vay trong tương lai.
Đôi khi cá nhân hoặc doanh nghiệp phải đợi đến 2 năm, khi nhóm tín dụng trở lại mức bình thường mới có thể được các ngân hàng và tổ chức tín dụng xem xét các hồ sơ có khả năng vay vốn. Khách hàng thuộc nhóm 1 và 2 không gặp phải tình trạng trên và dễ dàng hơn khi đi vay vốn mới, và nhiều khi được ưu đãi mức lãi suất rất hấp dẫn.
(Tài liệu tham khảo: cic.org.vn; topbank.vn; Điểm tín dụng là gì? - Smartbuddy)