Đói nghèo (Poverty) trong kinh tế công cộng là gì?
Mục Lục
Đói nghèo (Poverty)
Đói nghèo trong tiếng Anh là Poverty.
Đói nghèo là một vấn đề mang tính chất toàn cầu, và đang thu hút nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế nhằm từng bước xóa bỏ đói nghèo và nâng cao phúc lợi người dân. Tuy nhiên, rất khó có thể đưa ra một khái niệm chung, thống nhất về thế nào là đói nghèo.
Rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này đã cố gắng đưa ra các khái niệm khác nhau về đói nghèo, nhưng tựu chung đều coi đói nghèo là tình trạng một nhóm người trong xã hội không có khả năng được hưởng "một cái gì đó" ở mức độ tối thiểu cần thiết. Sự khác nhau về việc xác định "cái gì đó" đã tạm chia các quan niệm về đói nghèo thành ba trường phái chính.
(1) Trường phái phúc lợi coi xã hội có hiện tượng đói nghèo khi một hay nhiều cá nhân trong xã hội đó có không được một mức phúc lợi kinh tế được coi là cần thiết để đảm bảo một cuộc sống tối thiểu hợp lí theo tiêu chuẩn của xã hội đó.
Trường phái này coi "cái gì đó" là phúc lợi kinh tế của cá nhân, hay độ thỏa dụng cá nhân. Tuy nhiên, vì độ thỏa dụng vốn là một khái niệm mang tính ước lệ, không thể đo lường hay lượng hóa được, nên người ta thường đồng nhất nó với một khái niệm khác cụ thể hơn, đó là mức sống. Khi đó tăng thu nhập được xem là điều quan trọng nhất để nâng cao mức sống hay độ thỏa dụng của cá nhân.
Theo cách hiểu này, các chính sách xóa đói giảm nghèo (XĐGN) sẽ phải tập trung vào việc tăng năng suất, tạo việc làm... qua đó nâng cao thu nhập cho người dân để họ có được mức phúc lợi kinh tế cần thiết như xã hội mong muốn.
(2) Trường phái [dựa vào] nhu cầu cơ bản, coi "cái gì đó" mà người nghèo thiếu là một tập hợp những hàng hóa và dịch vụ được xác định cụ thể mà việc thỏa mãn chúng là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Điểm khác biệt chính của trường phái này so với trường phái phúc lợi là nó không đi vào xác định mức sống hay độ thỏa dụng cá nhân, mà là một hệ thống các hàng hóa cơ bản được coi là mọi cá nhân có quyền được hưởng.
(3) Trường phái thứ ba không quan tâm đến những gì thiếu để thỏa mãn độ thỏa dụng cá nhân hay nhu cầu cơ bản của con người, mà chú trọng đến khả năng hay năng lực của con người. Do vậy trường phái này còn được gọi là trường phái [dựa vào] năng lực. Trường phái này nổi lên từ những năm 80 với người đi tiên phong là nhà kinh tế học Ấn Độ A. Sen.
Theo ông, giá trị cuộc sống của con người không chỉ phụ thuộc duy nhất vào độ thỏa dụng hay thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, mà đó là khả năng mà một con người có được, là quyền tự do đáng kể mà họ được hưởng để vươn tới một cuộc sống mà họ mong muốn.
Theo cách hiểu này, điều mà các chính sách XĐGN cần phải làm là tạo điều kiện để người nghèo có được năng lực thực hiện các chức năng cần thiết, đi từ những thứ rất cơ bản như đủ dinh dưỡng, có sức khỏe tốt, tránh được nguy cơ tử vong sớm... đến những nhu cầu cao hơn như được tôn trọng, được tham gia vào đời sống xã hội, có tiếng nói và quyền lực.
Kết luận
Đói nghèo gồm những khía cạnh cơ bản sau:
- Trước tiên và trên hết là sự khốn cùng về vật chất, được đo lường theo một tiêu chí thích hợp về thu nhập hoặc tiêu dùng.
- Đi kèm với sự khốn cùng về vật chất là sự hưởng thụ thiếu thốn về giáo dục và y tế.
- Nguy cơ dễ bị tổn thương và dễ gặp rủi ro, tức là khả năng một hộ gia đinh hay cá nhân bị rơi vào cảnh đói nghèo về thu nhập hoặc về sức khỏe.
- Cuối cùng là tình trạng không có tiếng nói và quyền lực của người nghèo.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)