Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (Environmental, Social and Governance Criteria) là gì?
Mục Lục
Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị
Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị trong tiếng Anh là Environmental, Social and Governance Criteria, viết tắt là ESG Criteria.
Tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (Tiêu chuẩn ESG) là một bộ các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của một công ty mà các nhà đầu tư có ý thức xã hội sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng.
Tiêu chuẩn môi trường xem xét cách một công ty gây ảnh hưởng tới tự nhiên. Các tiêu chuẩn xã hội kiểm tra cách công ty quản lí mối quan hệ với nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng nơi công ty có hoạt động. Quản trị quan tâm tới lãnh đạo công ty, lương của nhân viên cấp điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quyền của cổ đông.
Đầu tư dựa trên tiêu chuẩn ESG
Dĩ nhiên, không một công ty nào có thể vượt qua mọi bài kiểm tra trong cả ba lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị, do đó các nhà đầu tư cần quyết định xem điều gì là quan trọng nhất đối với họ. Ở mức độ thực tế, các công ty đầu tư tuân theo các tiêu chuẩn ESG cũng phải đặt ra ưu tiên cho chính mình.
Ví dụ, công ty Trillium Asset Management với tổng tài sản đang quản lí trị giá 2,5 tỉ USD sử dụng các yếu tố ESG chọn lọc để giúp xác định các công ty được có khả năng mang lại hiệu suất đầu tư mạnh mẽ trong dài hạn.
Tiêu chuẩn ESG của Trillium (một phần được quyết định bởi các nhà phân tích đánh giá những vấn đề trong các ngành và lĩnh vực khác nhau), bao gồm việc tránh các công ty có phơi nhiễm rủi ro liên quan tới hoạt động khai thác than, và những doanh nghiệp có hơn 5% doanh thu đến từ năng lượng hạt nhân hoặc kinh doanh vũ khí.
Trillium cũng tránh đầu tư vào các công ty mới hoặc đang xảy ra những bê bối liên quan đến quản trị doanh nghiệp, nạn phân biệt đối xử nơi làm việc, và phúc lợi động vật, v.v...
Ưu nhược điểm của tiêu chuẩn ESG
Trong những năm qua, các khoản đầu tư có trách nhiệm xã hội được cho là buộc các nhà đầu tư phải đánh đổi. Do chúng giới hạn các công ty được coi là đủ điều kiện để đầu tư, nên chúng cũng hạn chế lợi nhuận tiềm năng của nhà đầu tư. Các công ty "xấu" đôi khi hoạt động rất tốt, hoặc ít nhất là giá cổ phiếu chúng tăng tốt.
Tuy nhiên gần đây, một số nhà đầu tư tin rằng các tiêu chí ESG cũng mang lại những lợi ích thiết thực bên cạnh những mối quan tâm về đạo đức. Bằng cách tuân theo các tiêu chuẩn ESG, họ có thể tránh được các công ty có hoạt động có thể báo hiệu yếu tố rủi ro, bằng chứng là vụ tràn dầu năm 2010 của BP và vụ bê bối khí thải của Volkswagen, cả hai đều làm rung chuyển giá cổ phiếu của công ty và gây ra thiệt hại hàng tỷ đô la.
Khi những hoạt động kinh doanh chú ý tới ESG ngày càng gia tăng, các công ty đầu tư ngày càng quan tâm tới hiệu suất của chúng. Các công ty dịch vụ tài chính như JPMorgan Chase, Wells Fargo và Goldman Sachs đã công bố các báo cáo hàng năm về các khoản đầu tư theo tiêu chuẩn ESG của họ và kết quả cuối cùng của chúng.
(Theo investopedia)