Tiên đề về sở thích (Axioms of preference) là gì? Nội dung về tiên đề sở thích
Mục Lục
Tiên đề về sở thích
Tiên đề về sở thích trong tiếng Anh là Axioms of preference.
Tiên đề về sở thích được định nghĩa như sau: Trong lí thuyết về nhu cầu của người tiêu dùng, các cá nhân được giả định là tuân theo các tiên đề khác nhau về hành vi. Các tiên đề này tạo ra cơ sở vững chắc cho lí thuyết về nhu cầu của người tiêu dùng.
Nội dung về tiên đề sở thích
Mặc dù có những tên gọi khác nhau, nhưng có thể tổng kết lại thành 7 tiên đề cần thiết cho lí thuyết về hành vi người tiêu dùng dự trên phương pháp phân tích đường bàng quan. Đó là:
1. Tiên đề về tính triệt để (axiom of completeness): Người tiêu dùng có khả năng căn cứ vào sở thích của mình để xếp hạng tất cả các kết hợp hàng hóa hiện có.
2. Tiền đề về tính bắc cầu (axiom of transitiveness): Nếu có kết hợp hàng hóa A nào đó được ưa thích hơn kết hợp hàng hóa B và B được ưa thích hơn kết hợp hàng hóa C, thì kết hợp hàng hóa A phải được ưa thích hơn kết hợp hàng hóa C.
3. Tiền đề về sự lựa chọn (axiom of selection): Người tiêu dùng lựa chọn cả tập hợp hàng hóa với mục tiêu đạt tới trạng thái mà anh ta ưa thích nhất.
4. Tiên đề về tính phản thân (axiom of reflexiveness): Người tiêu dùng coi bất kì kết hợp hàng hóa nào ít nhất cũng tốt bằng bản thân nó.
5. Tiên đề về tính trội (axiom of dominance): Người tiêu dùng ưa thích nhiều hàng hóa hơn là ít hàng hóa (nói đơn giản là càng nhiều càng tốt). Tiền đề này còn được gọi là tiên đề về tính tham lam, không thỏa mãn hoặc tính đơn điệu.
6. Tiên đề về liên tục (axiom of continuity): Có một tập hợp điểm tạo thành một đường biên (đường bàng quan) tách những kết hợp hàng hóa ưa thích ra khỏi những kết hợp hàng hóa không ưa thích. Tiên đề này đảm bảo rằng đường bàng quan thực sự là một đường (theo nghĩa hình học), chứ không phải là một mớ hổ lốn các điểm.
7. Tiên đề về tính lồi (axiom of convexity): sở thích là một tập hợp lồi, vì vậy đường bàng quan là một đường lồi so với gốc tọa độ.
Ba tiền đề đầu thường được coi là tiên đề về tính hợp lí. Các tiên đề còn lại thực sự là tiên đề về hành vi. Những tiên đề tương tự cũng cần thiết đối với sở thích bộc lộ.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)