Thước đo giá trị (Standard of Value) của tiền tệ là gì?
Mục Lục
Thước đo giá trị (Standard of Value)
Thước đo giá trị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Standard of Value, hoặc Measure of Value, hoặc Unit of Account.
Thước đo giá trị là yêu cầu trước tiên và không thể thiếu của trao đổi hàng hóa. Trong mua bán hay trao đổi hàng hóa, người ta thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Muốn đảm bảo được nguyên tắc trao đổi ngang giá thì điều kiện tiên quyết là phải đo lường và xác định được giá trị hàng hóa. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)
Với chức năng thước đo giá trị, tiền tệ có thể giải quyết được yêu cầu này. Ngoài việc trao đổi ra, trong một số hoạt động khác như kế toán, kế hoạch, tài chính,... người ta cũng cần đo lường giá trị và sử dụng tiền tệ như những đơn vị tính toán (units of account).
Vấn đề đặt ra là ai là người quyết định lựa chọn và lựa chọn thước đo giá trị dựa trên những cơ sở nào?
Nội dung thước đo giá trị của tiền tệ
Chủ thể quyết định và lựa chọn thước đo giá trị tiền tệ
Thông thường Nhà nước hay chính phủ là người quyết định lựa chọn thước đo giá trị và dân chúng là người sử dụng thước đo đã được chọn lựa đó, nhưng khi cái thước đo mà Nhà nước chọn không sử dụng được như là một công cụ đo lường, thì tự phát dân chúng sẽ chọn cho mình cái thước đo nào mà họ cho là phù hợp nhất để đo lường giá trị.
Việc chọn lựa thước đo giá trị cũng tương tự như lựa chọn các loại thước đo khác như mét để đo chiều dài, kilogram để đo khối lượng.
Mét sở dĩ được sử dụng để đó chiều dài vì người ta thiết kế nó thể hiện được chiều dài, trong khi kilogram dùng để đo khối lượng vì người ta thiết kế nó thể hiện được khối lượng và những sự thể hiện này được tiêu chuẩn hóa, thông qua việc định nghĩa mét cũng như định nghĩa kilogram là gì.
Yếu tố xác định đơn vị tiền tệ
Muốn đo lường giá trị trước hết người ta phải gán cho tiền tệ một giá trị để nó thể hiện được giá trị. Kế đến người ta phải tiêu chuẩn hóa giá trị của nó thông qua việc định nghĩa đơn vị tiền tệ quốc gia. Đơn vị tiền tệ của một quốc gia được xác định thông qua hai yếu tố:
- Tên gọi của đơn vị tiền tệ: Ví dụ dollar là tên gọi đơn vị tiền tệ của Mỹ, franc trước kia là tên gọi đơn vị tiền tệ của Pháp trong khi đồng là tên gọi đơn vị tiền tệ của Việt Nam.
- Hàm lượng kim loại qui định trong đơn vị tiền tệ đó: Ví dụ hàm lượng kim loại qui định trong đơn vị tiền tệ của Mỹ, tức là 1 dollar, là 0,7366412 gram vàng nguyên chất.
Với hàm lượng 0,7366412 gram vàng nguyên chất được gán vào thông qua định nghĩa đơn vị tiền tệ của chính phủ, dollar trở nên có giá trị và giá trị của nó được tiêu chuẩn hóa, do vậy, nó đo lường được giá trị.
Trước khi có sự lựa chọn đơn vị tiền tệ thống nhất của chính phủ, dân chúng cũng đã tự phát lựa chọn đơn vị tiền tệ theo sở thích của họ. Vì mỗi người có sở thích khác nhau nên lúc đầu đơn vị tiền tệ chưa được thống nhất. Điều này gây ra không ít khó khăn trong trao đổi. Sau này Nhà nước đứng ra lựa chọn và công bố đơn vị tiền tệ thông nhất trong cả nước.
Tuy nhiên, cũng có khi Nhà nước lựa chọn đơn vị tiền tệ này, nhưng dân chúng lại sử dụng đơn vị khác để đo lường giá trị hàng hóa. Đó là trường hợp lạm phát tiền tệ khiến cho giá trị của đơn vị tiền tệ sụt giảm nghiêm trọng và sức mua của nó không còn ổn định, nên bị dân chúng từ chối nó với tư cách là một công cụ thước đo giá trị.
Từ phân tích thực tiễn thước đo giá trị, chúng ta có thể thấy rằng đơn vị tiền tệ của một quốc gia nào đó muốn làm tốt chức năng thước đo giá trị thì đòi hỏi:
Thứ nhất, đơn vị tiền tệ đó phải có giá trị nội tại của nó, nếu không dù có bắt buộc dân chúng vẫn không chấp nhận nó như một công cụ thước đo giá trị.
Thứ hai, giá trị của đơn vị tiền tệ đó, hay sức mua của đồng tiền, phải ổn định hoặc có thay đổi thì vẫn không thay đổi nhiều qua thời gian. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)