Thuế ô nhiễm (Pollution tax) là gì?
Mục Lục
Thuế ô nhiễm
Thuế ô nhiễm hay còn gọi là thuế xanh trong tiếng Anh gọi là: Pollution tax hay Green tax.
Thuế ô nhiễm (thuế xanh): là thuế đánh vào các doanh nghiệp đang thải chất ô nhiễm và thuế này được tính theo tác hại mà doanh nghiệp đó gây ô nhiễm môi trường.
Thuế môi trường: thuế ô nhiễm không khí, thuế ô nhiễm tiếng ồn, thuế ô nhiễm các nguồn nước.
Nguồn gốc ra đời
Ý tưởng về thuế đầu tiên do Pigou, một nhà kinh tế học người Anh đưa ra vào năm 1920 nên thuế này còn được gọi là thuế Pigou (xem hình 1).
Khi chưa có thuế, doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích bằng cách sản xuất tất cả các đơn vị sản phẩm có MNPB > 0, tức là sản xuất cho đến mức sản lượng Qp. Ở mức sản lượng này, mức xả thải là Wp.
Tuy nhiên, điểm tối ưu xã hội thì lại đạt được ở mức sản lượng mà MEC = MNPB, tức là mức sản lượng Qs có mức xả thải là Ws.
Hình 1
Để giảm mức ô nhiễm từ Wp xuống Ws để đạt điểm tối ưu của xã hội. Chính phủ đặt một khoản thuế vừa bằng với chi phí tác hại biên MEC tại Qs. Khoản thuế này được biểu thị bằng đường t*. Với mỗi đơn vị chất thải mà doanh nghiệp thải ra, doanh nghiệp phải trả cho chính quyền một khoản thuế t*.
Với những mức sản lượng lớn hơn Qs (MEC = MNPB), thì MNPB thấp hơn khoản thuế mà doanh nghiệp phải trả. Vì thế, khi có thuế doanh nghiệp sẽ có động cơ kinh tế mạnh mẽ để giảm sản lượng xuống Qs, và do đó giảm ô nhiễm xuống mức tối ưu là Ws.
Ưu điểm
Thuế ô nhiễm có nhiều ưu điểm khi so sánh với phương pháp qui định bằng pháp luật truyền thống của Anh là xác định số lượng ô nhiễm tiêu chuẩn đi kèm với phạt hành chính nếu không làm đúng theo những tiêu chuẩn này.
Nếu tiêu chuẩn xả thải cố định là Wa nhưng mức phạt khi vi phạm được qui định ở mức thấp thì doanh nghiệp chỉ giảm sản lượng khi tiền phạt lớn hơn MNPB, tức là giảm sản lượng từ Qp xuống Qm (lượng chất thải sẽ chỉ giảm từ Wp xuống Wm).
Do đó, tiền phạt nên tăng đến mức t* thì sản lượng và lượng chất thải mới giảm xuống mức tối ưu của xã hội là Qs và Ws.
Ngoài ra thuế Pigou còn có các ưu điểm khác như sau:
– Được quản lí thông qua khung thuế hiện hành của Chính phủ nên ít có rủi ro về thất thu hơn khi so sánh với các tiêu chuẩn xả thải cố định được giám sát thông qua các cuộc kiểm tra bất thường tại hiện trường.
– Một khi tiêu chuẩn ô nhiễm được xác lập thì doanh nghiệp không có động cơ khuyến khích gì để giảm phát thải xuống dưới mức này trong khi thuế ô nhiễm luôn luôn thúc đẩy các doanh nghiệp giảm mức phát thải vì doanh nghiệp muốn giảm số thuế phải nộp.
– Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới giảm ô nhiễm.
– Thuế đánh trên chất thải hiện hành có thể làm giảm các chất thải phụ kèm theo.
Ví dụ: thuế đánh trên chất thải carbon do đốt cháy nhiên liệu địa khai có thể thúc đẩy nhà sản xuất chuyển sang nhiên liệu phi địa khai và giảm chất thải SO2. Nghiên cứu cho thấy giảm 20% lượng chất thải carbon sẽ giảm 21% lượng SO2 và 14% lượng NOx.
Tuy nhiên trên thực tế khó xác định được MEC và MNPB.
Phân biệt thuế và phí
Các bạn xem bảng dưới đây sẽ dễ dàng nhận ra những điểm khác biệt giữa thuế và phí.
| Thuế môi trường | Phí môi trường |
Phạm vi điều tiết | Quốc gia, quốc tế | Địa phương, quốc gia |
Đối tượng tính thuế | Tổng giá trị sản phẩm hay tổng doanh thu | Tính đến tổng lượng chất thải |
Chức năng | Đi vào nguồn thu chung của ngân sách nhà nước điều tiết cho nhiều hoạt động khác nhau của nền kinh tế trong đó có môi trường | Nguồn thu của ngân sách nhưng chỉ sử dụng trực tiếp cho lĩnh vực môi trường |
(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)