Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal L/C) là gì? Ưu, nhược điểm
Mục Lục
Thư tín dụng đối ứng
Thư tín dụng đối ứng (hay L/C đối ứng) trong tiếng Anh là Reciprocal Letter of Credit, viết tắt là Reciprocal L/C.
Thư tín dụng đối ứng là loại thư tín dụng chỉ bắt đầu có hiệu lực khi có một thư tín dụng khác đối ứng với nó được mở ra.
Nội dung
Trong thư tín dụng ban đầu thường phải ghi câu: "L/C này chỉ có giá trị khi người hưởng lợi đã mở lại một L/C khác đối ứng với nó để cho người mở L/C này hưởng".
Tiếp đến, trong L/C đối ứng cũng phải ghi câu: "L/C này đối ứng với L/C số ... mở ngày ... tại ngân hàng ... với số tiền là ... ".
Thư tín dụng đối ứng thường được áp dụng trong mua bán thông quá hình thức hàng đổi hàng (Barter), trong đó các bên cùng trao đổi trực tiếp hàng hóa, dịch vụ này lấy hàng hóa, dịch vụ khác.
Trong một số trường hợp khác có thể áp dụng trong hình thức gia công hàng xuất khẩu (gia công xuất khẩu: là việc đưa các yếu tố sản xuất (chủ yếu là nguyên liệu) từ nước ngoài về để sản xuất hàng hóa, nhưng không phải để tiêu dùng trong nước mà để xuất khẩu thu ngoại tệ chênh lệch do tiền công đem lại).
Tính chất tài trợ trong thư tín dụng đối ứng
Tài trợ bằng L/C đối ứng là loại tài trợ này chỉ có giá trị hiệu lực chừng nào một tài trợ khác đối ứng với nó đã được xác lập. Như vậy, đối với tài trợ đối ứng, Ngân hàng tài trợ cho Nhà nhập khẩu là có điều kiện.
Điều kiện đó là Nhà xuất khẩu muốn hưởng lợi tài trợ bằng L/C này thì phải mở tài trợ bằng L/C ngược lại cho Nhà nhập khẩu thụ hưởng. Sự thuận tiện của tài trợ đối ứng bằng L/C đã khiến nó được sử dụng phổ cập trong thương mại quốc tế "hàng đổi hàng" và gia công chế biến hàng xuất khẩu.
L/C đối ứng phổ biến chủ yếu ở các nước Châu Á. Ở Việt Nam loại L/C này được phát hành phổ biến ở những năm 90 khi các công ty dệt may Việt Nam gia công hàng may mặc cho các công ty ở Hàn Quốc. Hiện nay loại L/C này hầu như không còn được sử dụng rộng rãi.
Ưu nhược điểm của thư tín dụng đối ứng
Ưu điểm:
- Một L/C đối ứng với cam kết sẽ bảo đảm tính "fairplay" (công bằng) cho cả hai bên.
- Loại L/C giúp các đối tác chưa hiểu rõ về nhau vẫn có thể hợp tác làm ăn với nhau.
Nhược điểm:
- Thủ tục rườm rà, cấu trúc L/C khá phức tạp.
- Phí ngân hàng tương đối cao.
(Theo Giáo trình Tài trợ thương mại Quốc tế, trường ĐH Ngoại thương, NXB Thống kê; thebank.vn)