Hiệp định hàng hóa quốc tế (International commodity agreement) là gì? Cách thức hoạt động
Mục Lục
Hiệp định hàng hóa quốc tế (International commodity agreement)
Hiệp định hàng hóa quốc tế trong tiếng Anh là International commodity agreement.
Hiệp định hàng hóa quốc tế là hiệp định giữa các nước nhằm ổn định giá của một số loại hàng hóa và nguyên liệu mua bán trên thị trường thế giới như cà phê, thiếc.
Mục tiêu của Hiệp định hàng hóa quốc tế
Mục tiêu của những hiệp định thuộc loại này là ổn định thu nhập của người sản xuất và nguồn thu ngoại tệ của các nước thành viên, chủ yếu là các nước đang phát triển. Mặc dù được kí kết với mục đích đảm bảo lợi ích của các nước sản xuất nhưng chúng cũng có lợi cho người tiêu dùng vì chúng làm giảm tính bất định và những khó chịu mà người tiêu dùng phải chịu do những biến động quá mạnh của giá cả gây ra.
Cách thức hoạt động của Hiệp định hàng hóa quốc tế
Các hiệp định hàng hóa quốc tế có thể khác nhau về hình thức, nhưng nhìn chung đều tạo ra một mức giá chính thức của hàng hóa hay nguyên liệu liên quan. Để duy trì mức giá này trong một thời kì nhất định, các nước thành viên phải nhất trí với nhau về việc sử dụng một loại dự trữ gọi là dự trữ đệm hay dự trữ điều hòa.
Khi cung vượt cầu, các nước mua hàng hóa với giá chính thức để dự trữ. Những hàng hóa dự trữ sẽ được bán ra khi cầu vượt quá mức cung của thị trường.
Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc khuyến khích các nước tham gia hiệp định hàng hóa quốc tế, vì nó coi đây là một công cụ đảm bảo lợi ích các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, việc đảm bảo hiệu lực của các hiệp định như vậy thường vấp phải những khó khăn nghiêm trọng, chẳng hạn các nước có thể không nhất trí về giá chính thức, định giá cao hơn giá thị trường, dẫn tới qui mô dự trữ điều hòa quá cao và không đủ tiền để mua dự trữ điều hòa.
Các Hiệp định hàng hóa quốc tế tiêu biểu có thể kể đến như Hiệp định cà phê quốc tế (International Coffee Agreement), Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (International Tropical Timber Agreement),...
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)