Sử dụng ngôn ngữ hình thể trong doanh nghiệp là gì?
Mục Lục
Sử dụng ngôn ngữ hình thể
Sử dụng ngôn ngữ hình thể trong tiếng Anh gọi là: Body language.
Sử dụng ngôn ngữ hình thể (body language) là một công cụ quản trị đòi hỏi người quản trị cần sử dụng khéo léo, tinh tế sẽ phát huy hiệu lực quản trị.
Những ngôn ngữ hình thể, không cần lời như nheo mắt, nháy mắt, phẩy tay, vung tay, quắc mắt, cười sảng khoái, gõ tay nhè nhẹ lên mặt bàn, gõ tay nhát gừng nhưng dứt khoát, gõ tay dồn dập,… là những cách thể hiện tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu, mệnh lệnh giúp cho việc triển khai công việc không bị người thứ ba phát hiện.
Cách làm này có tác dụng hạn chế số lượng người biết đến công việc nhưng dễ áp dụng đối với những người hiểu nhau.
Ngôn ngữ cơ thể là các động tác hoặc tư thế của cơ thể thể hiện cho người khác thấy cảm xúc của bản thân, mà không cần sử dụng tới lời nói. (Theo Cambridge Dictionary)
Vai trò
Sử dụng ngôn ngữ hình thể là một trong những công cụ chủ yếu sử dụng trong điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp.
Điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp chính là hệ thống những tác động của chủ thể quản trị đối với đối tượng bị quản trị trong thời gian ngắn hạn để dẫn dắt hoạt động của cả doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chung trong trung hạn và dài hạn.
Như vậy, thực chất của điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp là việc tổ chức, chỉ đạo triển khai hệ thống sản xuất đã được thiết kế nhằm biến các mục tiêu dự kiến, các kế hoạch sản xuất sản phẩm, dịch vụ thành hiện thực.
Cũng như mọi hoạt động chỉ đạo sản xuất kinh doanh, khi điều hành tác nghiệp doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp nên sử dụng các phương pháp để điều khiển, chỉ huy, chỉ đạo thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở lịch trình sản xuất, kế hoạch tác nghiệp đã xây dựng.
Công cụ “họp giao ban”, hay “ngôn ngữ hình thể” là những phương pháp mà giám đốc doanh nghiệp có thể sử dụng để tác động lên người lao động, tập thể người lao động nhằm đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Tổ chức và điều hành doanh nghiệp, TS. Trần Văn Hùng, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)