Rủi ro TPND (Thief, Piferage and Non Delivery – TPND Risks) là gì?
Mục Lục
Rủi ro TPND (Thief, Piferage and Non Delivery – TPND Risks)
Mất cắp, mất trộm và không giao hàng – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Thief, Piferage and Non Delivery, viết tắt là TPND.
Nhóm rủi ro TPND là rủi ro mất cắp, mất trộm và không giao hàng thuộc nhóm rủi ro đặc biệt trong bảo hiểm vận tải quốc tế. Trong đó bao gồm các rủi ro mất cắp (Thief), mất trộm (Piferage) và không giao hàng (Non Delivery). (Theo Letter of Credit)
Nội dung nhóm rủi ro TPND trong vận tải quốc tế
Mất cắp, mất trộm
Trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa, ban đầu chỉ có hành động trộm cắp, chữ này không bao gồm những hành động ăn cắp có tính chất bí mật hoặc do thủy thủ hoặc hành khách trên tàu ăn cắp. Nó phải là một hành động dùng bạo lực chứ không phải là những sự ăn cắp thông thường.
Nhưng trong thực tế ở nhiều địa phương, việc mất cắp theo ý nghĩa thông thường đã trở nên phổ biến vì tổn thất do mất cắp gây ra đã lên đến một tỉ lệ đáng kể. Do đó dần dần bảo hiểm đã chú ý đến những yêu cầu này và mở rộng thêm trong nhóm rủi ro đặc biệt.
Mất cắp, mất trộm có ý chỉ sự mất cắp nguyên kiện hoặc hàng hóa bên trong bao bì. Nó là một hành động ăn cắp có tính chất bí mật. Những rủi ro này có thể bảo hiểm bằng cách thỏa thuận ghi từng rủi ro cụ thể thêm vào các điều kiện bảo hiểm WA hoặc FPA hoặc điều kiện ICC (C), điều kiện ICC (B).
Rủi ro này được bảo hiểm sẵn trong điều kiện AR và trong điều kiện ICC (A). Do đó khi mua bảo hiểm theo hai điều kiện này, không cần thỏa thuận thêm, người được bảo hiểm vẫn được bồi thường tổn thất nếu rủi ro mất cắp mất trộm xảy ra.
Không giao hàng (Non Delivery)
Rủi ro này có nghĩa là nguyên một kiện hàng không được giao tại cảng đến và không có dẫn chứng về nguyên nhân tổn thất. Ta có thể gọi việc giao thiếu nguyên bao nguyên kiện là không giao hàng nghĩa đều như nhau.
Thông thường việc giao thiếu nguyên bao, nguyên kiện hoặc không giao hàng là do mất cắp, mất trộm gây ra. Tuy nhiên đôi khi vẫn do những nguyên nhân khác: có thể do đếm nhầm, kiểm nhầm khi giao, khi xếp làm cho số lượng thực tế không khớp với số lượng ghi trên tài liệu.
Vì vậy vấn đề chính là phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh số hàng giao thiếu đó thực tế đã được xếp lên tàu hay không. Và trên cơ sở đó bảo hiểm mới xét bồi thường, vì trong những trường hợp này khuyết điểm có thể do phía người vận tải, có thể do phía người xếp hàng.
Song về mặt pháp lí, khi tàu giao thiếu nguyên bao nguyên kiện trong mọi trường hợp người vận chuyển vẫn phải chịu trách nhiệm (Theo Giáo trình Vận tải quốc tế và Bảo hiểm vận tải quốc tế, NXB Văn hóa Sài Gòn)