Qui trình đầu cuối (End-to-end) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Qui trình đầu cuối
Qui trình đầu cuối trong tiếng Anh là End-to-end.
Qui trình đầu cuối mô tả qui trình mà một hệ thống hoặc dịch vụ hoạt động từ đầu đến cuối và cung cấp một giải pháp chức năng hoàn chỉnh, thường là không cần sự trợ giúp từ bên thứ ba.
Nó thường đề cập đến những nhà cung cấp có thể nhìn trước một dự án xuyên suốt từ đầu đến cuối và cung cấp mọi thứ cần thiết để tạo ra một giải pháp khả thi. Đó là phần cứng, phần mềm, nhân công, tài liệu bằng văn bản và qui trình.
Các giải pháp đầu cuối cũng tuân thủ triết lí loại bỏ càng nhiều lớp trung gian hoặc các bước càng tốt, giúp tối ưu hóa hiệu suất và hiệu quả của một doanh nghiệp. Nó được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT).
Đặc điểm của Qui trình đầu cuối trong Công nghệ thông tin
Nói chung, các giải pháp đầu cuối được sử dụng với các nhà cung cấp các hệ thống toàn diện để theo kịp yêu cầu cơ sở hạ tầng luôn thay đổi của doanh nghiệp và nhu cầu thay đổi của chính ngành Công nghệ thông tin. Các nhà cung cấp đầu cuối thường xử lí tất cả phần cứng và phần mềm của hệ thống, bao gồm cài đặt, triển khai và bảo trì. Một giải pháp đầu cuối có thể bao gồm mọi thứ, từ giao diện máy khách đến lưu trữ dữ liệu.
Ví dụ, một công ty cung cấp các sản phẩm hội nghị truyền hình đầu cuối sẽ cung cấp mọi thứ bao gồm màn hình và kết nối mạng. Trong thương mại điện tử, qui trình đầu cuối xảy ra khi một công ty cung cấp dịch vụ cho một công ty khác, trong đó công ty quản lí việc bán hàng, theo dõi đơn hàng và giao sản phẩm.
Khi giao dịch với các hệ thống hoặc dịch vụ phức tạp, khách hàng thường dễ dàng thực hiện và tiết kiệm chi phí hơn khi chỉ có một nhà cung cấp và một điểm liên lạc. Ngoài ra, các giải pháp CNTT liên quan đến nhiều nhà cung cấp cho các phần khác nhau của qui trình công việc chỉ làm tăng chi phí quản lí qui trình nên không được coi là giải pháp đầu cuối thực sự.
Ví dụ về giải pháp đầu cuối
Trong lĩnh vực mua sắm, một qui trình đầu cuối có thể có nghĩa là phân tích từng điểm trong chuỗi cung ứng của công ty, từ tìm nguồn cung ứng và đặt hàng nguyên liệu thô đến phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng. Các giải pháp phần mềm mua sắm đầu cuối cung cấp cho các tổ chức một cái nhìn tổng quan về chuỗi cung ứng của họ, ví dụ như mất bao lâu để hàng hóa được gửi từ các nhà cung cấp và chi phí của những hàng hóa đó là bao nhiêu.
Một ví dụ khác về xử lí đầu cuối là trong lĩnh vực hậu cần, nơi các nhà cung cấp dịch vụ đảm nhiệm việc quản lí, lưu trữ và phân phối hàng tồn kho. Bằng cách loại bỏ càng nhiều lớp và bước thực hiện thì càng tốt, một chuyên gia hậu cần có thể tối ưu hóa phân phối và giảm thiểu sự gián đoạn từ tắc nghẽn đường, sự cố xe và tương tự.
Ví dụ, trong ngành dầu khí, các công ty vận tải và hậu cần cung cấp cho khách hàng các dịch vụ đầu cuối linh hoạt và hiệu quả về chi phí, từ lập kế hoạch đặt hàng đến giám sát hàng tồn kho, tải và vận chuyển, đến giao hàng. Giao hàng ở đây bao gồm cung cấp nhiên liệu và dầu nhờn cho các trạm dịch vụ, nhiên liệu hàng không cho các sân bay và bitum (một loại chất lỏng hữu cơ có độ nhớt cao) cho ngành công nghiệp nhựa đường.
(theo Investopedia)