Quản lí kinh tế đô thị (Urban Economic Management) là gì?
Mục Lục
Quản lí kinh tế đô thị (Urban Economic Management)
Quản lí kinh tế đô thị - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Urban Economic Management.
Quản lí kinh tế đô thị là quá trình tổ chức, kế hoạch hóa, kiểm soát các hoạt động kinh tế của đô thị nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế của đô thị.
Quản lí kinh tế đô thị là một nội dung của quản lí Nhà nước tại đô thị được đặt ra trong công cuộc đổi mới nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đô thị là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân và đô thị đóng vai trò hạt nhân cho sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế.
Mục tiêu quản lí kinh tế đô thị
Tầm quan trọng của quản lí kinh tế đô thị xuất phát từ thực tiễn vai trò phát triển kinh tế ở đô thị. Phát triển kinh tế là cơ sở quyết định phát triển xã hội và không gian của mỗi đô thị.
Mỗi đô thị cần có một chiến lược phát triển kinh tế riêng của mình. Vị trí đô thị không thể giữ vững khi đô thị không có cơ sở kinh tế vững chắc, không phát huy hết nội lực bên trong và khai thác hết sức mạnh bên ngoài, không vận động theo đúng xu thế của kinh tế trong nước và thế giới.
Trong phát triển kinh tế, sản xuất ra của cải vật chất là điều kiện quyết định. Quan niệm về sản xuất trong kinh tế thị trường được hiểu như là mọi hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra sản phẩm cho xã hội và được pháp luật cho phép. Như vậy, rõ ràng là chính quyền đô thị có thể thông qua luật pháp để điều chỉnh các hoạt động sản xuất ở đô thị...
Việc điều chỉnh các hoạt động sản xuất ở đô thị được thực hiện qua việc điều chỉnh các hoạt động của các thị trường ở đô thị. Các doanh nghiệp, các hộ gia đình, Chính phủ, đều cần một môi trường pháp luật công bằng để các thị trường hoạt động có hiệu quả.
Mỗi đô thị sẽ không phát triển nếu chỉ dựa vào tài nguyên hay ngành nghề truyền thống mà lãng quên phát triển công nghệ và sự hợp tác quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa nền kinh tế hiện nay.
Mục tiêu của quản lí kinh tế đô thị nhằm đưa hệ thống kinh tế của các đô thị trong cả nước vừa phát triển vững mạnh với tốc độ cao vừa làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế trong cả nước đồng thời đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai. (Theo Giáo trình Quản lí đô thị, NXB Thống kê)