Phương pháp đồ thị (Diagrammatic method) trong thống kê là gì?
Mục Lục
Phương pháp đồ thị (Diagrammatic method)
Phương pháp đồ thị trong tiếng Anh là Diagrammatic method.
Phương pháp đồ thị còn được gọi là phương pháp biểu đồ.
Phương pháp đồ thị trình bày và phân tích các số liệu thống kê bằng biểu đồ, đồ thị và bản đồ thống kê trên cơ sở sử dụng kết hợp giữa số liệu với hình vẽ, đường nét, màu sắc và mĩ thuật nhằm thu hút sự chú ý của người đọc, giúp cho người đọc nhận thức được những nét khái quát về đặc điểm cơ bản của hiện tượng một cách dễ dàng, nhanh chóng.
Đồ thị thống kê có thể biểu thị kết cấu và thay đổi kết cấu của hiện tượng, sự phát triển của hiện tượng theo thời gian, tình hình thực hiện kế hoạch, mối liên hệ giữa các hiện tượng, so sánh giữa các mức độ của hiện tượng.
Phân loại đồ thị thống kê
- Căn cứ theo nội dung phản ánh, có thể chia đồ thị thống kê thành các loại sau: đồ thị kết cấu, đồ thị phát triển, đồ thị hoàn thành kế hoạch hoặc định mức, đồ thị liên hệ, đồ thị so sánh và đồ thị phân phối.
- Căn cứ vào hình thức biểu hiện, có thể chia đồ thị thống kê thành: đồ thị hình cột (biểu đồ cột), đồ thị hình tượng (biểu đồ vùng), đồ thị hình tròn (biểu đồ tròn), đồ thị đường gấp khúc...
Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp đồ thị
Khi xây dựng một đồ thị thống kê phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Xác định qui mô đồ thị phù hợp.
Qui mô của đồ thị được quyết định bởi chiều dài, chiều cao, quan hệ tỉ lệ giữa hai chiều đó và mục đích sử dụng. Quan hệ giữa độ dài của trục hoành và trục tung trong đồ thị thường theo tỉ lệ 1 : 1,33 đến 1: 1,5.
- Lựa chọn loại đồ thị phù hợp.
Mỗi loại đồ thị có khả năng diễn tả nhiều khía cạnh.
Ví dụ, ta thường dùng loại hình tròn (có chia thành hình quạt) để biểu hiện kết cấu vì loại này biểu hiện rõ nhất kết cấu và biến động kết cấu của hiện tượng. Trường hợp phân tích mối liên hệ giữa các chỉ tiêu thường dùng đồ thị đường gấp khúc.
- Xác định chính xác các thang đo tỉ lệ và độ rộng của đồ thị.
Thang đo tỉ lệ xích giúp cho việc tính chuyển các đại lượng lên đồ thị theo các khoảng cách thích hợp. Người ta thường dùng các thang đo đường thẳng phân bố theo các trục tọa độ, cũng có khi dùng thang đo đường cong, ví dụ thang tròn (ở đồ thị hình tròn) được chia thành 360°.
Độ rộng của đồ thị cũng phải được chọn cho phù hợp. Khi vẽ đồ thị hình cột, độ rộng của các cột phải tỉ lệ với các khoảng cách tổ và độ cao của nó phải tỉ lệ với số đơn vị rơi vào từng tổ. Nếu các tổ có khoảng cách bằng nhau, khi đó các cột trong đồ thị cũng phải có độ rộng bằng nhau.
(Tài liệu tham khảo: Một số thuật ngữ thống kê thông dụng, Tổng cục thống kê, NXB Thống kê)