Phương châm hành động (Action guidelines) là gì? Phân loại
Mục Lục
Phương châm hành động
Phương châm hành động hay còn gọi là Phương châm điều hành trong tiếng Anh tạm dịch là Action guidelines.
Phương châm hành động là một nội dung quan trọng trong văn hoá doanh nghiệp, nhằm biến những giá trị, chuẩn mực, cam kết, lời hứa, giao ước thành các chỉ dẫn cụ thể cho quá trình ra quyết định và hành động.
Trong văn hoá phương Đông, tư tưởng Đức trị là một ví dụ điển hình về mối liên hệ giữa các nội dung này, cụ thể: nhân là triết lí, nghĩa là phương châm, lễ là phương pháp, trí là phương tiện, và tín là mục đích/hệ quả.
Tiêu chí chỉ đạo
Trong quản lí kinh doanh, các doanh nghiệp lựa chọn phương châm hành động dựa trên cơ sở đặc điểm về triết lí kinh doanh, triết lí quản lí, bản sắc mong muốn, phong cách được lựa chọn, đặc thù về môi trường tổ chức, mục đích cần hướng tới.
Tuy nhiên, với tư cách là một tổ chức kinh tế, chuyên môn, gồm nhiều người cùng phối hợp hành động, các doanh nghiệp thường lựa chọn một số giá trị/ mục tiêu/ yêu cầu sau đây làm tiêu chí để chỉ đạo hoạt động chuyên môn:
- Hài hoà trong mối quan hệ hợp tác;
- Hiệu quả trong hoạt động chuyên môn và sử dung nguồn lực;
- Chất lượng là trách nhiệm về sản phẩm và thực hiện công việc;
- Chuyên nghiệp trong hành vi tác nghiệp.
Lựa chọn phương châm hành động không phải chỉ là định ra những căn cứ cho việc điều hành của người quản lí, mà còn là chỉ dẫn hành động cho những người lãnh đạo và cho nhân viên trong quá trình ra quyết định và thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Vì vậy, những yếu tố kích thích hoặc có khả năng khơi dậy động lực hành động cũng thường được chọn làm phương châm, ví dụ như:
- Công bằng trong phân phối, đánh giá;
- Bình đẳng trong mối quan hệ;
- Cởi mở trong giao tiếp;
- Chân thành trong cách ứng xử;
- Trách nhiệm trong công việc;
- Tin cậy trong hợp tác.
Phân loại
Phương châm hành động cũng có thể được phân biệt và xác định rõ theo từng lĩnh vực như:
- (i) quản lí/ kiểm soát hành vi bản thân, tự quản lí, xây dựng và phát triển con người;
- (ii) chính sách và biện pháp quản lí/ điều hành, cơ chế, qui trình, hướng dẫn, chỉ huy;
- (iii) môi trường làm việc/môi trường tổ chức, quản lí công nghệ/phương tiện sản xuất.
Trong đó:
Nội dung thứ nhất tập trung vào định hướng hành vi cá nhân – phương châm hành động;
Nội dung thứ hai tập trung vào các biện pháp quản lí và tổ chức – phương pháp điều hành;
Và nội dung thứ ba tập trung vào cácđiều kiện vật chất, kĩ thuật – phương tiện hỗ trợ.
(Tài liệu tham khảo: Văn hoá Doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Quân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)