Động viên (Encourage) trong quản trị là gì? Các lí thuyết động viên
Mục Lục
Động viên (Encourage)
Động viên trong tiếng Anh là Encourage. Động viên là tạo ra sự hăng hái, nhiệt tình, phấn khởi và trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện công việc cuả cấp dưới, qua đó làm cho công việc được hoàn thành một cách có hiệu quả cao.
Động viên bao gồm cả động viên về vật chất lẫn động viên về mặt tinh thần.
Các lí thuyết động viên
Trong lịch sử phát triển của quản trị đã có nhiều lí thuyết động viên được trình bày trong các tài liệu khác nhau. Sau đây là một số lí thuyết động viên đang được các nhà quản trị áp dụng phổ biến trong thực tế.
(1) Lí thuyết cấp bậc nhu cầu của Abraham Maslow Maslow
Lí thuyết này cho rằng hành vi của con người bắt nguồn từ nhu cầu và những nhu cầu được sắp xếp theo một trình tự ưu tiên từ thấp đến cao về tầm quan trọng. Cụ thể xếp thành 5 bậc:
- Những nhu cầu cơ bản: ăn, uống, mặc, ở và những nhu cầu tồn tại khác.
- Những nhu cầu về an toàn và an ninh: an toàn, không bị đe dọa về thân thể, tài sản, công việc...
- Những nhu cầu xã hội: Tham gia câu lạc bộ, đảng phái, tình bạn, tình đồng nghiệp, giao tiếp, được xã hội chấp nhận…
- Những nhu cầu tự trọng: Thích danh tiếng, được tôn trọng, tôn trọng người khác…
- Những nhu cầu tự thể hiện: muốn hoàn thiện, phát triển nhân cách, sáng tạo….
Nguồn: Giáo trình Quản trị học, Trường Đại học Kinh tế tài chính
(2) Lí thuyết hai nhân tố của Herzberg
Herzberg đã xây dựng thuyết động viên bằng cách liệt kê các nhân tố duy trì và các nhân tố động viên người lao động.
- Các nhân tố duy trì: Các yếu tố làm việc bình thường như điều kiện làm việc, lương bổng, các chính sách của tổ chức, quan hệ với cấp trên, sự giám sát…
Nhà quản trị khi tác động vào các yếu tố này sẽ không đem lại sự hăng hái hơn trong khi làm việc. Nhưng nếu các yếu tố làm việc bình thường không thỏa mãn thì nhân viên sẽ bất mãn và kém hăng hái làm việc.
- Các nhân tố động viên: gồm các yếu tố như trân trọng đóng góp của nhân viên, giao phó trách nhiệm cho họ, tạo điều kiện cho họ phát triển, cho họ làm những công việc họ thích và có ý nghĩa…
Nhà quản trị khi tác động vào các yếu tố này sẽ đem lại sự hăng hái hơn trong khi làm việc. Nhưng nếu những yếu tố động viên không có thì họ sẽ vẫn làm việc bình thường.
Ý nghĩa
- Các nhà quản trị đừng không nên lẫn lộn giữa những biện pháp không có giá trị động viên và những biện pháp có tác dụng động viên thực sự.
- Ông cũng cho rằng việc động viên nhân viên đòi hỏi phải giải quyết đồng thời cả hai nhóm nhân tố duy trì và động viên, không thể chỉ chú trọng một nhóm nào cả.
(3) Lí thuyết E.R.G
Giáo Sư Clayton Alderfer tiến hành sắp xếp lại nghiên cứu cuả Maslow. Ông cũng cho rằng hành động cuả con người là bắt nguồn từ nhu cầu, song có ba loại nhu cầu như sau:
- Nhu cầu tồn tại: gồm nhu cầu sinh lí và nhu cầu an toàn.
- Nhu cầu quan hệ: nhu cầu quan hệ qua lại giữa các cá nhân, nhu cầu quan hệ xã hội (nhu cầu này gồm nhu cầu xã hội và một phần nhu cầu tự trọng)
- Nhu cầu phát triển: là nhu cầu tự thể hiện và một phần nhu cầu tự trọng.
Ông cho rằng con người cùng một lúc theo đuổi tất cả các nhu cầu chứ không phải chỉ một nhu cầu như Maslow đã nói. Hơn thế nữa khi một nhu cầu nào đó bị cản trở họ sẽ dồn nỗ lực sang một nhu cầu khác.
(4) Lí thuyết về sự công bằng Giáo sư Stacy Adams
- Lí thuyết này cho rằng công bằng là một động lực.
- Cơ sở của thuyết này dựa trên lập luận người lao động muốn được đối xử công bằng, họ có xu hướng so sánh giữa những đóng góp và phần thuởng nhận được, giữa bản thân và người khác.
Tuy nhiên cần lưu ý người lao động thường hay đánh giá công lao của mình cao hơn người khác và phần thưởng mình nhận được ít hơn người khác. Do đặc điểm này, nhà quản trị phải luôn luôn quan tâm tới nhận thức của người lao động về sự công bằng.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị học, Trường Đại học Kinh tế tài chính)