Phân tích kinh doanh (Business Intelligence - BI) là gì? Lợi ích của BI
Mục Lục
Phân tích kinh doanh
Khái niệm
Phân tích kinh doanh hay còn gọi là phân tích doanh nghiệp trong tiếng Anh là Business Intelligence, viết tắt là BI.
Phân tích kinh doanh (BI) là qui trình thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu bằng công nghệ được các công ty sử dụng để kiểm soát khối dữ liệu khổng lồ có được từ các hoạt động của công ty.
Phân tích kinh doanh xem xét tất cả dữ liệu do một doanh nghiệp tạo ra và trình bày các báo cáo một cách dễ hiểu, đo lường hiệu quả hoạt động và xu hướng để phục vụ cho việc ra các quyết định quản lí.
Phân tích kinh doanh ra đời do quan điểm: với thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ các nhà quản lí sẽ có xu hướng đưa ra quyết định tệ hơn so với việc họ có thông tin tốt hơn. Những nhà xây dựng mô hình tài chính gọi hiện tượng trên là "garbage in, garbage out" với ý đồ rằng nếu đầu vào không chính xác thì kết quả không thể nào đúng được.
BI giải quyết vấn đề này bằng cách phân tích các dữ liệu hiện tại và biểu diễn kết quả rõ ràng dễ hiểu trên bảng điều khiển số. Các bảng điều khiển số này trực quan hóa các số liệu và được sử dụng để hỗ trợ ra các quyết định tốt hơn.
Sự phát triển của Phân tích kinh doanh
BI cải thiện độ chính xác, thời gian xử lí và khối lượng dữ liệu để đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng. BI tìm cách để nắm bắt các thông tin chưa được ghi lại, kiểm tra thông tin để tìm lỗi và cấu trúc thông tin theo cách hỗ trợ phân tích tổng quan nhất có thể.
Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty có dữ liệu không theo cấu trúc hoặc có cấu trúc đa dạng khiến cho quá trình thu thập và phân tích khó khăn hơn. Vì vậy, các công ty phần mềm đưa ra các sản phẩm cung cấp giải pháp phân tích kinh doanh để các công ty có thể tối ưu hóa thông tin lượm lặt được từ dữ liệu.
Các sản phẩm này là những ứng dụng phần mềm cấp doanh nghiệp được thiết kế để đồng nhất dữ liệu công ty và phân tích.
Dù sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong 10 năm trở lại đây với sự ra đời và phát triển của các phần mềm phân tích tinh vi, phức tạp, nhưng vai trò của các nhà khoa học dữ liệu (data scientist) vẫn rất quan trọng.
Số lượng các quan sát thu được từ phân tích dữ liệu rất lớn khiến các công ty khó mà nắm bắt hết mọi thứ khi không được sắp xếp hợp lí, đây là lúc các nhà phân tích dữ liệu lọc ra các nguồn dữ liệu để lựa chọn các điểm dữ liệu có thể đại diện cho toàn bộ quá trình hoặc khu vực kinh doanh.
Việc này sẽ hạn chế quá trình giám sát và điều chỉnh định dạng một khối lượng lớn dữ liệu, giúp tiết kiệm thời gian phân tích và tăng tốc độ báo cáo.
Lợi ích của Phân tích kinh doanh
Có rất nhiều lí do để các công ty nên áp dụng phân tích kinh doanh (BI) khi ra quyết định nào đó.
Nhiều công ty sử dụng nó để hỗ trợ nhiều chức năng hoạt động như tuyển dụng, pháp chế, sản xuất và tiếp thị. BI là một giá trị kinh doanh cốt lõi, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều hưởng nhiều lợi ích hơn từ việc sở hữu thông tin chính xác và đầy đủ.
Một số lợi ích mà các công ty có thể có sau khi áp dụng BI vào mô hình kinh doanh là báo cáo và phân tích nhanh hơn và chính xác hơn, chất lượng dữ liệu được cải thiện, nhân viên làm việc tốt hơn, chi phí giảm xuống, doanh thu tăng lên, và khả năng đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn.
Ví dụ về cách áp dụng Phân tích kinh doanh
Giả sử bạn phụ trách lịch trình cho một số nhà máy sản xuất đồ uống giải khát. Doanh số bán hàng cho thấy đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua từng tháng trong một khu vực cụ thể, bạn có thể phê duyệt thêm ca làm trong thời gian thực để đảm bảo nhà máy của bạn có thể đáp ứng nhu cầu.
Tương tự, bạn có thể nhanh chóng cắt giảm ca làm việc nếu mùa hè năm nay mát mẻ hơn mọi năm và gây ảnh hưởng đến doanh số. Thao tác điều chỉnh trong sản xuất này là một ví dụ cơ bản về cách BI có thể tăng lợi nhuận và giảm chi phí khi được sử dụng đúng cách.
(Theo Investopedia)