Nền kinh tế tiên tiến (Advanced Economy) là gì? Mối quan hệ với các nước khác
Mục Lục
Nền kinh tế tiên tiến
Nền kinh tế tiên tiến trong tiếng Anh là Advanced Economy.
Nền kinh tế tiên tiến là một thuật ngữ được sử dụng bởi Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để mô tả các quốc gia phát triển nhất trên thế giới. Mặc dù không có số qui ước để xác định nền kinh tế tiên tiến, nhưng các nước này thường được định nghĩa là có mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người cao, cũng như mức độ công nghiệp hóa lớn.
Phân loại nền kinh tế tiên tiến
IMF cho biết phân loại của họ là không dựa trên các tiêu chí nghiêm ngặt mà thay đổi và phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, có một số số liệu cốt lõi được cho là IMF thường xuyên sử dụng để xác định liệu một nền kinh tế có được phân loại là tiên tiến hay không.
Một trong những yếu tố chính là GDP bình quân đầu người, thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong một năm chia cho dân số. Không có ngưỡng GDP bình quân đầu người chính thức.
Một số nhà kinh tế cho rằng 12.000 USD mỗi người là mức GDP bình quân tối thiểu trong một nền kinh tế tiên tiến, trong khi những người khác cho rằng con số này phải là 25.000 USD.
Một số liệu khác thường được sử dụng là Chỉ số phát triển con người. Chỉ số này định lượng mức độ giáo dục, xóa mù chữ và sức khỏe của một quốc gia. Các yếu tố quan trọng khác thường được xem xét bao gồm đa dạng hóa xuất khẩu và mức độ tham gia vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Tính đến năm 2016, IMF đã phân loại 39 quốc gia là các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm Mỹ và Canada, hầu hết các quốc gia ở Châu Âu, Nhật Bản và Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc và New Zealand.
Mối quan hệ của các nước có nền kinh tế tiên tiến với các nước khác
Trong một nền kinh tế tiên tiến, tăng trưởng dân số và kinh tế có xu hướng ổn định và đầu tư hướng về tiêu dùng và chất lượng sống. Các nước đang phát triển, hoặc các nền kinh tế thị trường mới nổi, mặt khác, có xu hướng chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng và các dự án tài sản cố định khác để tăng trưởng kinh tế.
Các nước đang phát triển xuất khẩu rất nhiều hàng hóa cho người tiêu dùng sống ở các nền kinh tế tiên tiến giàu có hơn và nhờ vào một cơ sở ban đầu thấp hơn, thường ghi nhận mức tăng trưởng GDP cao hơn.
Theo IMF thì sự phân chia địa lí của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là Cộng đồng các Quốc gia độc lập, các quốc gia châu Á mới nổi và đang phát triển, các nước châu Âu mới nổi và đang phát triển, Mỹ Latinh và Caribbean, Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan và Pakistan, và vùng châu Phi cận Sahara.
Hoạt động của các nền kinh tế tiên tiến có thể gây tác động domino lên các quốc gia khác và thị trường toàn cầu, do bản chất tương quan của các nền kinh tế tiên tiến với nhau và mối quan hệ thương mại và đầu tư với các nước đang phát triển. Ví dụ, nếu kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái thì nền kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng.
(Theo investopedia)