Mạng đối ngoại (Extranet) là gì? Ưu điểm và hạn chế
Mục Lục
Mạng đối ngoại
Mạng đối ngoại trong tiếng Anh được gọi là Extranet.
Mạng đối ngoại là mạng kết nối giữa công ty với các nhà cung cấp, đối tác kinh doanh hay với bất cứ người dùng nào được trao quyền.
Cách sử dụng
Một công ty có thể xây dựng một mạng Extranet riêng cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà cung ứng. Hay là các công ty trong cùng một ngành có thể xây dựng một mạng Extranet cộng tác vì những lợi ích chung.
Các bên tham gia vào mạng Extranet sẽ truy cập vào cơ sở dữ liệu, file hay bất cứ thông tin nào được lưu trong máy tính có kết nối với mạng Extranet.
Mạng Extranet sử dụng các giao thức TCP/IP để kết nối các mạng Intranet của các khu vực khác nhau lại với nhau. Extranet giúp kết nối mạng Intranet của một doanh nghiệp với mạng Intranet của của các đối tác kinh doanh, các nhà cung cấp, các tổ chức tài chính, chính phủ và khách hàng.
Vì mạng Extranet cho phép kết nối các doanh nghiệp lại với nhau thông qua mạng Internet nên đây là một mạng mở và linh hoạt, rất phù hợp cho mô hình thương mại điện tử B2B.
Để tăng hiệu quả an toàn, các công ty chỉ chia sẻ một phần nào đó cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh và hoàn toàn tách biệt mạng Extranet với mạng Intranet.
Ưu điểm và hạn chế
Lợi ích của việc sử dụng mạng Extranet là có thể trao đổi dữ liệu với một khối lượng lớn bằng cách sử dụng ứng dụng trao đổi dữ liệu điện tử (EDI); nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, chia sẻ thông tin về sản phẩm với qui mô lớn với các nhà bán buôn;
Cộng tác với các công ty khác nhằm phát triển doanh nghiệp; tiến hành đào tạo cho đối tác; sử dụng dịch vụ do công ty khác cung cấp như ứng dụng ngân hàng điện tử; chia sẻ thông tin có ích trên diện rộng.
Tuy nhiên bên cạnh đó thì mạng Extranet cũng có những mặt hạn chế như chi phí để triển khai mạng Extranet còn rất cao; đe dọa đối với bảo mật thông tin trong mạng Extranet là lớn.
(Tài liệu tham khảo: Cơ sở hạ tầng của thương mại điện tử, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)