Ổn định tài chính (Financial Stability) là gì? Sự cần thiết phải ổn định tài chính
Mục Lục
Ổn định tài chính (Financial Stability)
Ổn định tài chính trong tiếng Anh là Financial Stability.
Việc định nghĩa "ổn định tài chính" đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công cụ phân tích thích hợp cũng như các chính sách điều hành an toàn vĩ mô. Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều định nghĩa về ổn định tài chính, chẳng hạn như:
- Ổn định tài chính là khả năng vận hành tốt các chức năng chính của hệ thống tài chính, kể cả trong thời kì kinh tế căng thẳng và thời kì điều chỉnh cơ cấu nhằm giúp phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn lực và rủi ro tài chính cũng như tạo nền tảng hạ tầng tài chính hiệu quả. (Theo Ngân hàng Trung ương Đức)
- Ổn định tài chính hàm ý việc xác định rủi ro trong hệ thống tài chính và hành động để giảm thiểu chúng. (Theo Ngân hàng Trung ương Anh)
- Ổn định tài chính là một trạng thái trong đó hệ thống tài chính (bao gồm thị trường tài chính và các định chế tài chính) chống lại các cú sốc kinh tế và phối hợp để thực hiện trơn tru các chức năng cơ bản của nó: trung gian của các quĩ tài chính, quản lí rủi ro và sắp xếp thanh toán. (Theo Ngân hàng Trung ương Hungary)
- Ổn định tài chính là một trạng thái trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư. (Theo Ngân hàng Trung ương Châu Âu)
Kết luận
Qua tổng kết quan điểm của một số Ngân hàng Trung ương (NHTW) trên thế giới, có thể thấy rằng mặc dù hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức cho thuật ngữ “ổn định tài chính”, tuy nhiên thuật ngữ này có thể bao gồm nội hàm sau:
- Thứ nhất, các yếu tố chính của hệ thống tài chính (thị trường tài chính, các định chế tài chính, hạ tầng tài chính) thực hiện các chức năng của nó “thông suốt” góp phần phân bổ có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế.
- Thứ hai, rủi ro cấp độ hệ thống cần được đánh giá chính xác và quản lí hiệu quả để tránh khả năng sụp đổ hệ thống tài chính.
- Thứ ba, để đảm bảo mục tiêu duy trì ổn định của cả hệ thống tài chính đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong hệ thống giám sát tài chính quốc gia; và trong phần lớn các mô hình tổ chức hệ thống giám sát tài chính, NHTW là cơ quan có chức năng chủ đạo trong việc thực hiện chức năng ổn định tài chính.
Sự cần thiết phải ổn định tài chính
- Ổn định tài chính không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định giá cả (mục tiêu chính của NHTW) mà còn góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
- Ổn định tài chính tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho cả nhà đầu tư và người gửi tiền, tăng hiệu quả của hoạt động trung gian tài chính, tăng các chức năng của các thị trường tài chính và cải thiện phân phối nguồn lực để phát triển hệ thống tài chính lành mạnh và minh bạch, giảm đi các cú sốc và rủi ro hệ thống.
- Một hệ thống tài chính ổn định là hệ thống hoạt động lành mạnh, tin cậy và hiệu quả, ít biến động và có khả năng hấp thụ các cú sốc. Ngược lại mất ổn định tài chính kéo theo những tình trạng như:
(i) giảm tính hiệu quả của chính sách tiền tệ;
(ii) làm suy yếu chức năng trung gian của hệ thống tài chính do phân phối nguồn lực không hợp lí, làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế;
(iii) làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính;
(iv) mất nhiều chi phí để giải quyết sự yếu kém của hệ thống tài chính.
- Vì những lí do này, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến ổn định tài chính khi thực thi các chính sách của mình, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các nhân tố mới có khả năng gây bất ổn tài chính như mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa khu vực tài chính của các quốc gia và sự phát triển không ngừng của các công cụ tài chính phức tạp.
(Tài liệu tham khảo: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ổn định tài chính và vai trò của ổn định tài chính)