Khu vực tiền tệ tối ưu (Optimal Currency Area - OCA) là gì? Các tiêu chí để trở thành OCA
Mục Lục
Khu vực tiền tệ tối ưu
Khái niệm
Khu vực tiền tệ tối ưu trong tiếng Anh là Optimal Currency Area, viết tắt là OCA.
Thông thường mỗi quốc gia đều duy trì một đồng tiền riêng, hay còn gọi là tiền tệ quốc gia. Ông Robert Mundell trong những năm 1960 đã đưa ra giả thuyết rằng việc sử dụng đồng tiền riêng có thể không phải là một lựa chọn có hiệu quả kinh tế nhất.
Đặc biệt, các quốc gia có mối quan hệ kinh tế mật thiết có thể hưởng lợi cao hơn từ việc sử dụng một loại tiền tệ chung. Đồng tiền chung cho phép kết hợp chặt chẽ các thị trường vốn và tạo điều kiện cho phát triển thương mại.
Tuy nhiên, sử dụng đồng tiền chung sẽ tước đi khả năng can thiệp của các quốc gia thành viên để ổn định nền kinh tế nước họ (bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ).
Đặc điểm khu vực tiền tệ tối ưu
Năm 1961, nhà kinh tế học người Canada - Robert Mundell đã công bố Lí thuyết khu vực tiền tệ tối ưu (OCA) lần đầu tiên. Ông đã soạn ra các tiêu chí cần thiết cho một khu vực đủ điều kiện là khu vực tiền tệ tối ưu, ở đó các quốc gia thành viên có thể hưởng lợi từ việc sử dụng đồng tiền chung.
Mối lo ngại lớn nhất với mô hình này là các cú sốc không đối xứng có thể làm giảm các lợi ích của OCA. Trong lí thuyết của Robert Mundell, nếu các cú sốc không đối xứng qui mô lớn thường xảy ra hay các tiêu chí cho OCA không được đáp ứng, thì hệ thống các loại tiền riêng biệt với tỉ giá hối đoái thả nổi sẽ phù hợp hơn cho các quốc gia.
Các tiêu chí OCA của Mundell
Theo Mundell, có bốn tiêu chí chính cho một khu vực tiền tệ tối ưu:
- Dòng dịch chuyển lao động cao trên toàn khu vực. Do các rào cản hành chính, văn hóa và thể chế được loại bỏ, việc dịch chuyển lao động giữa các nước trong khu vực trở nên dễ dàng hơn.
- Dòng dịch chuyển vốn, giá cả và tiền lương trở nên linh động hơn. Điều này đảm bảo rằng vốn và lao động sẽ được phân bổ trong OCA dựa trên các lượng cung và cầu thị trường, gánh nặng của các cú sốc kinh tế cũng được san sẻ.
- Có một cơ chế tài khóa chung hoặc cơ chế san sẻ rủi ro tỉ giá để phân chia rủi ro giữa các quốc gia trong OCA. Tiêu chí này đòi hỏi các quốc gia có thặng dư phải chuyển tiền đến các quốc gia có kinh tế khó khăn.
- Các nước thành viên phải có chu kì kinh tế tương tự nhau. Các chu kì thăng trầm của các nền kinh tế phải đồng bộ hoặc ít nhất là có mối tương quan cao giữa các quốc gia trong OCA.
Do ngân hàng trung ương OCA sẽ thực hiện một hệ thống chính sách tiền tệ thống nhất trong OCA để bù đắp các cuộc suy thoái kinh tế và kiềm chế lạm phát. Các chu kì kinh tế không đồng bộ khi sử dụng một chính sách tiền tệ thống nhất sẽ có thể ngược với chu kì của một số quốc gia và cùng chu kì của một số quốc gia khác.
Các tiêu chí khác
Các tiêu chí khác được đề xuất bởi các nghiên cứu sau đó:
- Có khối lượng thương mại lớn giữa các quốc gia thành viên. Ngụ ý rằng sẽ có sự gia tăng tương ứng trong khối lượng giao dịch nếu sử dụng đồng tiền chung trong OCA.
Tuy nhiên, khối lượng thương mại lớn cũng có thể dẫn đến lợi thế so sánh và hiệu ứng thị trường nước nhà lớn hơn giữa các quốc gia thành viên. Dẫn đến việc chuyên môn hóa các ngành công nghiệp lợi thế cho từng thành viên OCA.
- Sản xuất đa dạng hơn, chuyên môn hóa và phân công lao động xuyên quốc gia sẽ hạn chế khả năng các cú sốc kinh tế bất đối xứng xuất hiện. Những quốc gia chuyên về một số mặt hàng nhất định mà các quốc gia khác không sản xuất không phù hợp để trở thành thành viên của một OCA do các quốc gia này dễ bị tổn thương nếu những cú sốc bất đối xứng xảy ra trong các ngành đó.
Tiêu chí này có thể mâu thuẫn với một số tiêu chí trên, bởi vì mức độ hội nhập giữa các nền kinh tế (dòng chảy hàng hóa, lao động và vốn) càng nhiều, các quốc gia sẽ càng có xu hướng chuyên môn hóa trong các ngành công nghiệp khác nhau.
- Các ưu đãi chính sách đồng nhất giữa các quốc gia trong OCA. Các chính sách tiền tệ, và một phần chính sách tài khóa dưới hình thức chuyển nhượng, sẽ là một quyết định chung và là trách nhiệm chung của các quốc gia trong OCA.
Sự bất đồng về cách đối phó với các cú sốc đối xứng hoặc bất đối xứng có thể làm suy yếu khối kết nối cũng như làm lung lay ý định tham gia hoặc duy trì OCA.
Châu Âu, khủng hoảng nợ và OCA
Đồng euro là một bằng chứng thực nghiệm của Lí thuyết khu vực tiền tệ tối ưu (OCA). Nó là một loại tiền tệ phổ biến của nhiều quốc gia châu Âu. Các quốc gia sử dụng đồng euro đáp ứng một số tiêu chí của Mundell về một liên minh tiền tệ thành công, cung cấp động lực cho việc phát triển các loại tiền tệ chung sau này.
Dù khu vực đồng euro đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, Liên minh Tiền tệ châu Âu (EMU) cũng đã gặp phải những vấn đề quan trọng như khủng hoảng nợ của Hy Lạp năm 2006. Do đó, hiệu quả dài hạn của một liên minh tiền tệ theo lí thuyết khu vực tiền tệ tối ưu vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi.
Sau sự phát triển của Liên minh Tiền tệ châu Âu (EMU) và việc áp dụng đồng euro cho các nước tham gia vào năm 2002, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sau cuộc Đại suy thoái được cho là bằng chứng cho thấy EMU không phù hợp với các tiêu chí của một OCA thành công. Các nhà phê bình cho rằng EMU đã không cung cấp đầy đủ điều kiện cần thiết cho sự hội nhập kinh tế và tài khóa để chia sẻ rủi ro giữa các quốc gia.
Điều khoản "không cứu trợ tài chính" của Hiệp định Ổn định và Tăng trưởng Châu Âu đã đặc biệt hạn chế khả năng chuyển nhượng tài chính. Tuy nhiên trong thực tế, điều khoản này đã bị bãi bỏ trong thời gian đầu cuộc khủng hoảng nợ công.
Khi cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp tiếp tục tiến triển xấu, đã có nhiều cuộc thảo luận cho rằng EMU phải tính đến các chính sách chia sẻ rủi ro rộng hơn nhiều so với hệ thống cứu trợ tạm thời lúc bấy giờ.
Nhìn chung, sự kiện này là một ví dụ cho sự bất cân xứng của cú sốc kinh tế ở Hy Lạp so với các quốc gia khác trong EMU cũng như sự thiếu hụt rõ rệt về năng lực của EMU theo tiêu chí OCA của Mundell. Hy Lạp (và có lẽ một số quốc gia khác) không thực sự đủ điều kiện để tham gia vào OCA đồng euro.
(Theo Investopedia)