Ngoại giao (Diplomacy) là gì? Đặc điểm của ngoại giao
Mục Lục
Ngoại giao (Diplomacy)
Ngoại giao trong tiếng Anh là Diplomacy. Ngoại giao theo cách hiểu phổ biến nhất là việc thực hiện các mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền thông qua liên lạc, thương lượng, gây ảnh hưởng cũng như điều chỉnh những khác biệt.
Hoạt động ngoại giao đã xuất hiện từ lâu đời ở nhiều nền văn minh trên thế giới, tiêu biểu như Trung Quốc và Hy Lạp cổ đại.
Ngoại giao là một khoa học mang tính tổng hợp, một nghệ thuật của những khả năng, là hoạt động của các cơ quan làm công tác đối ngoại và các đại diện có thẩm quyền làm công tác đối ngoại của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi, lợi ích, quyền hạn của quốc gia, dân tộc ở trong nước và trên thế giới, góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế chung, bằng con đường đàm phán vá các hình thức hoà bình khác.
(Theo Giáo trình Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ ngoại giao, NXB Chính trị Quốc gia)
Đặc điểm
- Thứ nhất, ngoại giao hoạt động như một cỗ máy mà thông qua đó một quốc gia có thể tạo nên ảnh hưởng và thể hiện sự quan tâm của họ đối với bên ngoài. Đồng thời, ngoại giao giúp điều hoà các lợi ích quốc gia.
Nói cách khác ngoại giao giúp triển khai các mục tiêu cụ thể của quốc gia song song việc đảm bảo trật tự thế giới. Ngoại giao như vậy trở thành công cụ để quốc gia đạt được lợi ích của mình.
- Thứ hai, các nhà ngoại giao đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai đường lối ngoại giao và chính sách đối ngoại của một quốc gia.
Nhà ngoại giao phải nắm vững chính sách đối ngoại, có kiến thức và kĩ năng cần thiết để tiến hành hiệu quả các nghiệp vụ ngoại giao và đạt được các mục tiêu đối ngoại. Với tư cách là đại diện chính thức của một quốc gia ở nước ngoài, các nhà ngoại giao thường được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ.
Các quyền này được chính thức pháp điển hóa tại Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao.
- Thứ ba, thông thường ngoại giao là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách về quan hệ đối ngoại ở cả trong và ngoài nước.
Cơ quan đại điện ngoại giao ở nước ngoài có nhiệm vụ thu thập thông tin tại nước sở tại về tình hình kinh tế, chính trị, về các hoạt động và quan hệ giữa chính quyền nước sở tại với bên ngoài nhằm có những đánh giá, phân tích và dự báo các vấn đề phát sinh.
Như vậy có thể so sánh các cơ quan đại diện ngoại giao như tai và mắt của Chính phủ nước cử đại diện và với khả năng trên họ góp phần vào việc điều chỉnh và phát triển chính sách đối ngoại của quốc gia mình.
(Tài liệu tham khảo: Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia sự thật)