Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Reserve Bank of India - RBI) là gì? Nhiệm vụ của RBI
Mục Lục
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ trong tiếng Anh là Reserve Bank of India (RBI).
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ là ngân hàng trung ương của Ấn Độ, được thành lập vào ngày 01/04/1935, theo Đạo luật Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sử dụng chính sách tiền tệ để tạo sự ổn định tài chính ở Ấn Độ và chịu trách nhiệm điều tiết hệ thống tín dụng và tiền tệ của quốc gia này.
Nhiệm vụ của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
Tại Mumbai, RBI hỗ trợ thị trường tài chính trên nhiều phương diện. Ngân hàng thiết lập lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm. Lãi suất MIBOR đóng vai trò là thước đo cho các công cụ tài chính liên quan đến lãi suất tại Ấn Độ.
Mục đích chính của RBI là tiến hành giám sát hợp nhất lĩnh vực tài chính ở Ấn Độ, bao gồm các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính và các công ty tài chính phi ngân hàng. Các sáng kiến được thông qua bởi RBI bao gồm tái cơ cấu thanh tra ngân hàng, đưa ra giám sát ngoại vi cho các ngân hàng và tổ chức tài chính và tăng cường vai trò của kiểm toán viên.
Đầu tiên và trên hết, RBI xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách tiền tệ của Ấn Độ. Mục tiêu quản lí ngân hàng là duy trì sự ổn định giá cả và đảm bảo rằng tín dụng đang chảy vào các khu vực kinh tế sản xuất. RBI cũng quản lí tất cả ngoại hối theo Đạo luật quản lý ngoại hối năm 1999. Đạo luật này cho phép RBI tạo điều kiện cho thương mại và thanh toán bên ngoài để thúc đẩy sự phát triển và sức khỏe của thị trường ngoại hối ở Ấn Độ.
RBI hoạt động như một cơ quan quản lí và giám sát của hệ thống tài chính tổng thể. Điều này gây dựng cho công chúng niềm tin vào hệ thống tài chính quốc gia, bảo vệ lãi suất và cung cấp các phương án ngân hàng tích cực cho công chúng. Cuối cùng, RBI đóng vai trò như nhà phát hành tiền tệ quốc gia. Đối với Ấn Độ, điều này có nghĩa là tiền tệ được phát hành hoặc bị mất hiệu lực tùy thuộc vào sự phù hợp của nó đối với lưu thông hiện tại. Điều này cung cấp cho công chúng Ấn Độ một nguồn cung tiền tệ dưới dạng tiền giấy và tiền xu đáng tin cậy. Năm 2018, RBI đã cấm sử dụng tiền ảo bởi các cơ quan tài chính và ngân hàng mà nó qui định.
Lưu ý đặc biệt
RBI ban đầu được thành lập như một pháp nhân tư nhân, nhưng nó đã được quốc hữu hóa vào năm 1949. Ngân hàng Dự trữ được điều hành bởi một ban giám đốc trung ương do chính phủ quốc gia bổ nhiệm. Chính phủ luôn bổ nhiệm các giám đốc RBI kể từ khi ngân hàng này trở thành sở hữu hoàn toàn của chính phủ Ấn Độ theo qui định của Đạo luật Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ. Giám đốc được bổ nhiệm trong một thời gian 4 năm.
Theo trên website của mình, trọng tâm hiện tại của RBI là tiếp tục tăng cường giám sát các tổ chức tài chính, đồng thời xử lí các vấn đề pháp lí liên quan đến gian lận ngân hàng, kế toán tổng hợp và cố gắng tạo ra một mô hình xếp hạng giám sát cho các ngân hàng của họ.
(Theo Investopedia)