Thanh toán quốc tế (International payment) là gì? Phương thức thanh toán quốc tế
Mục Lục
Thanh toán quốc tế (International payment)
Thanh toán quốc tế - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ International payment.
Thanh toán quốc tế là việc thực hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với tổ chức, cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế, thông qua quan hệ giữa ngân hàng của các nước liên quan. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Phương thức thanh toán quốc tế
Điều khoản phương thức thanh toán là một bộ phận không thể thiếu cấu thành nên hợp đồng ngoại thương. Lựa chọn phương thức thanh toán sao cho thích hợp với từng thương vụ, mối quan hệ giữa các bên hợp đồng... là một yếu tố góp phần hạn chế rủi ro trong thị trường quốc tế.
Trong cuộc sống hằng ngày, các giao dịch kinh tế và phi kinh tế giữa người cư trú với người không cư trú làm phát sinh nhu cầu thanh toán cho nhau. Thông thường, người thụ hưởng và người trả tiền không thanh toán trực tiếp cho nhau mà thông qua hệ thống ngân hàng.
Do hoạt động ngoại thương đóng vai trò chủ yếu trong kinh tế đối ngoại, do đó, khi nói đến thanh toán quốc tế mà không nói rõ là thanh toán trong lĩnh vực nào, thì ta hiểu đó là thanh toán trong ngoại thương.
Thanh toán ngoại thương là kết quả của hợp đồng mua bán, do đó ta có thể hiểu: Phương thức thanh toán quốc tế trong ngoại thương là toàn bộ quá trình, điều kiện qui định để người mua trả tiền và nhận hàng, còn người bán thì giao hàng và nhận tiền theo hợp đồng ngoại thương thông qua hệ thống ngân hàng phục vụ.
Như vậy, nội dung phương thức thanh toán chính là các điều kiện qui định trong hợp đồng thương mại, theo đó, người mua trả tiền nhận hàng, còn người bán thì giao hàng và thu tiền.
Việc giao, nhận hàng và thu tiền thường không diễn ra đồng thời, mà là một quá trình; quá trình này kết thúc khi người mua đã trả tiền và nhận được hàng; còn người bán đã nhận được tiền và giao hàng.
Trong thực tế điều kiện qui định để các bên giao nhận hàng hóa và chi trả tiền là rất đa dạng, do đó, tồn tại nhiều phương thức thanh toán quốc tế khác nhau, trong đó, mỗi phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định, thể hiện thành mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu.
Tuy nhiên, việc lựa chọn phương thức nào cũng phải xuất phát từ yêu cầu của người xuất khẩu là thu tiền hàng nhanh, đầy đủ và từ yêu cầu người nhập khẩu là mua được hàng hóa đúng số lượng, chất lượng và đúng hạn.
Việc lựa chọn phương thức thanh toán thích hợp phải được hai bên xuất khẩu và nhập khẩu bàn bạc thống nhất, ghi vào hợp đồng ngoại thương.
(Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)