Định mức xây dựng (Construction Norm) là gì? Các loại định mức xây dựng
Mục Lục
Định mức xây dựng (Construction Norm)
Định mức xây dựng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Construction Norm.
Định mức xây dựng là qui định về mức hao phí cần thiết vật liệu, nhân công và máy móc để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc xây dựng.
Định mức xây dựng là công cụ thực hiện chức năng quản lí nhà nước trong cơ chế thị trường nhằm công khai các thông tin để tăng tính cạnh tranh trong quá trình đầu tư xây dựng. Qua đó làm nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước nói chung, và quản lí dự án xây dựng nói riêng.
Các loại định mức xây dựng
Định mức kinh tế - kĩ thuật
1. Định mức kinh tế - kĩ thuật gồm định mức cơ sở và định mức dự toán xây dựng công trình.
2. Định mức cơ sở gồm định mức sử dụng vật liệu, định mức lao động, định mức năng suất máy và thiết bị thi công. Định mức cơ sở để xác định định mức dự toán xây dựng công trình.
3. Định mức dự toán xây dựng công trình là mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công được xác định phù hợp với yêu cầu kĩ thuật, điều kiện thi công và biện pháp thi công cụ thể để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình.
4. Định mức kinh tế - kĩ thuật là cơ sở để quản lí chi phí đầu tư xây dựng.
Định mức chi phí
1. Định mức chi phí gồm định mức tính bằng tỉ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị.
2. Định mức chi phí là cơ sở để xác định giá xây dựng, dự toán chi phí của một số loại công việc, chi phí trong đầu tư xây dựng gồm chi phí quản lí dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước, chi phí hạng mục chung và một số công việc, chi phí khác.
Quản lí định mức xây dựng
1. Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp lập định mức dự toán xây dựng và công bố định mức xây dựng.
2. Trên cơ sở phương pháp lập định mức dự toán xây dựng theo qui định, các Bộ quản lí công trình xây dựng chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập và công bố định mức xây dựng cho các công việc đặc thù chuyên ngành của ngành và địa phương sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
Định kì hàng năm gửi những định mức xây dựng đã công bố về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lí.
3. Định mức xây dựng được công bố là cơ sở để chủ đầu tư sử dụng, vận dụng, tham khảo khi xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng và quản lí chi phí đầu tư xây dựng.
4. Đối với các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức dự toán xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kĩ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình được thực hiện như sau:
a) Chủ đầu tư tổ chức xác định các định mức dự toán xây dựng mới, định mức dự toán xây dựng điều chỉnh hoặc vận dụng định mức dự toán tương tự ở các công trình đã và đang thực hiện, làm cơ sở quản lí chi phí đầu tư xây dựng công trình;
b) Đối với các gói thầu xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện hình thức chỉ định thầu thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định trước khi áp dụng.
Riêng đối với công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Bộ trưởng Bộ quản lí ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
5. Chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn quản lí chi phí đủ điều kiện năng lực theo qui định tại Nghị định về quản lí dự án đầu tư xây dựng để lập, điều chỉnh, thẩm tra các định mức dự toán xây dựng. (Theo Nghị định Số: 32/2015/NĐ-CP)