1. Kinh tế học

Mưa axit (Acid rain) là gì? Tác hại và biện pháp

Mục Lục

Mưa axit

Mưa axit trong tiếng Anh được gọi là: Acid rain.

Mưa axit là một thuật ngữ chung chỉ sự lắng đọng, tích lũy (dưới dạng khô hoặc ẩm) của chất gây ô nhiễm được hình thành chủ yếu từ di-oxít sunphua SO2 và axít nitrogen NOx và gốc clorít Cl − dưới dạng axít. 

Một khi thải vào không khí, các chất gây ô nhiễm này có thể bị hấp thụ trong trạng thái khô bởi mặt nước, mặt đất và sinh vật nhất là cây cỏ; hay dưới dạng ẩm khi chất gây ô nhiễm hòa lẫn với nước mưa hình thành các đám mây axít.

Sự chuyển đổi thành axít xảy ra trong bầu khí quyển. Mưa thường độ pH = 5,6; mưa axít pH < 4,3. 

Tác hại của mưa axít

– Ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe con người

– Làm giảm khả năng hỗ trợ sự sống các loại thủy hải sản trong sông ngòi, ao hồ

– Phá hoại trực tiếp bề mặt của lá cây và suy thoái sự tăng trưởng, ảnh hưởng đến mùa màng, làm cho rừng rụng lá và tăng trưởng chậm

– Xói mòn dần bề mặt của các công trình kiến trúc

– Làm axít hóa, giảm độ pH trong nước sông hồ

Nguyên nhân

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do trong các nền kinh tế thị trường thiếu các qui định buộc người gây ô nhiễm phải trả chi phí. Tuy nhiên mưa axit có thể do một nước gây ra và một nước khác phải gánh chịu một phần hậu quả.

Biện pháp

Để khắc phục tình trạng này nên: 

– Sử dụng các nhiên liệu hóa thạch ít sunphua hơn, lắp đặt các thiết bị làm giảm ô nhiễm ở các nhà máy điện chạy bằng than và các nhà máy lớn khác

– Tiết kiệm chi phí nguyên liệu và năng lượng để giảm ô nhiễm

– Tính đầy đủ chi phí môi trường

Hành động quốc tế về mưa axít

Các chất ô nhiễm này di chuyển vì từ điểm thải ra chúng được mang trong không khí và lắng đọng cách nguồn thải vài trăm cây số và có thể xuyên biên giới quốc gia. 

Ví dụ: các nhà máy ở Canada gây mưa axít ở Mỹ; các nhà máy ở Anh, Bắc Âu gây mưa axít ở Đức, Na Uy, Thụy Điển… Do đó việc kiểm soát mưa axít là một vấn đề quốc tế. Điều đó giải thích tại sao các nước Tây Âu giúp đỡ các nước Đông Âu làm sạch ô nhiễm. 

Hiện nay ở Đông Nam Trung Quốc, Đông Bắc Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nam Nhật Bản, Tây nam bộ của Việt Nam cũng có mưa axít. 

Các nước OECD đã ký Nghị định thư cam kết năm 1987 sẽ giảm dioxit sunphua 30% so với mức thải năm 1980, năm 1988 kí cam kết giảm dioxit nitrozen không được tăng hơn so với mức năm 1987 và sau đó phấn đấu giảm xuống nữa… 

Ở Mỹ năm 1990 ban hành Đạo Luật Không khí sạch yêu cầu giảm 10 triệu tấn chất thải sun phua xuất phát từ nhu cầu của nước Mỹ cũng như của nước láng giềng Canada. 

Nghị định thư thứ nhất yêu cầu tất cả các nước kí kết giảm thải sunphua khoảng 30% năm 1980 vào năm 1993. Anh và Mỹ không kí hiệp định này. 

Các nước Châu Âu, kể cả các nước Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ đang trong thời kì chuyển đổi. Tất cả các nước kể cả Anh, Mỹ đã bị áp lực buộc phải kí kết Nghị định thư thứ 2 năm 1992 đàm phán về giảm thải sun-phua. 

Chỉ tiêu về lâu dài sẽ ngày càng gắt gao do phải đáp ứng các ngưỡng gây hại. Ngưỡng gây hại là một mức lắng đọng của chất ô nhiễm, dưới mức độ này không có sự tổn hại nào đáng kể phải quan tâm.

Các ngưỡng gây hại có thể không đạt được vì có ít nhất 2 lí do: 

- Chúng không thể thực hiện được về mặt kĩ thuật, tức là chúng có thể yêu cầu giảm thải khí ngoài khả năng của công nghệ hiện có. 

- Chúng cũng có thể không khả thi về mặt kinh tế, vì sẽ đặt ra chi phí quá cao không thể chấp nhận được đối với ngành công nghiệp. 

Những chi phí đó là: 

− Chi phí sửa chữa bảo quản các tòa nhà

− Chi phí y tế do thiệt hại về sức khỏe

− Tổn hại mùa màng

− Tổn hại nước

− Tổn hại đối với các khu rừng

(Tài liệu tham khảo: Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, TS. Lê Ngọc Uyển - TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh - ThS. Hoàng Đinh Thảo Vy, Đại Học Mở TP. Hồ Chí Minh)

Thuật ngữ khác