Hoạch định tác nghiệp (Operational planning) là gì?
Mục Lục
Hoạch định tác nghiệp (Operational planning)
Hoạch định tác nghiệp trong tiếng Anh là Operational planning. Hoạch định tác nghiệp là những hoạch định liên quan đến việc triển khai các chiến lược trong những tình huống cụ thể và ở những thời gian ngắn (tháng, quí, năm).
Nội dung hoạch định là những chương trình hoạt động ngắn, sử dụng các nguồn lực đã phân bổ để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thuật ngữ liên quan
Hoạch định là quá trình ấn định những mục tiêu và lựa chọn cách thức tốt nhất để hoàn thành mục tiêu.
Hoạch định có ý nghĩa chỉ đạo, làm giảm tác động của biến đổi, làm giảm lãng phí xuống mức thấp nhất, và đặt những mục tiêu để kiểm soát được dễ dàng.
Hoạch định được phân ra thành nhiều loại tùy theo cách tiếp cận. Nếu căn cứ vào thời gian, hoạch định sẽ bao gồm: hoạch định chiến lược và hoạch định tác nghiệp.
Tiến trình và nội dung cụ thể của hoạch định tác nghiệp
Hoạch định tác nghiệp được mô tả bằng quá trình xác định các kế hoạch:
- Kế hoạch cho những họat động không hoặc ít lặp lại, tức kế hoạch hầu như chỉ sử dụng một lần (còn gọi là kế hoạch đơn dụng), gồm:
+ Chương trình (qui mô lớn): đưa sản phẩm mới ra thị trường, khánh thành một tòa nhà thương mại, xóa đói giảm nghèo…
+ Dự án (qui mô nhỏ): Là một phần tách rời từ chương trình, có những chỉ dẫn cụ thể về công việc, được giới hạn nghiêm ngặt về nguồn lực sử dụng và thời gian hoàn thành.
+ Kế hoạch ngân sách: Là một biểu mẫu tường trình về các nguồn tài chính phân bổ cho những hoạt động đã định, trong khoảng thời gian đã xác định. Đây là thành tố quan trọng của chương trình và dự án, là công cụ kiểm soát hiệu quả của đơn vị.
- Kế hoạch thường xuyên: Hướng vào những họat động có khả năng hoặc chắc chắn lặp lại ở tương lai, gồm:
+ Chính sách: Là những đường lối chỉ đạo tổng quát để làm quyết định, ví dụ chính sách đãi ngộ chất xám, chính sách phân phối thu nhập….
+ Thủ tục: Là những hướng dẫn chi tiết để thực hiện chính sách
+ Qui định, qui tắc: Các tuyên bố về một số việc được phép hay không được phép làm
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị học, Trường Đại học Kinh tế tài chính)