Kinh tế tập thể (Collective economy) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể trong tiếng Anh được gọi là Collective economy.
Kinh tế tập thể là một trong 5 thành phần kinh tế nước ta do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã xác định.
Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể; liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn qui mô, lĩnh vực và địa bàn (trừ một số lĩnh vực có qui định riêng);
Phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo các nguyên tắc: hợp tác tự nguyện; dân chủ, bình đẳng và công khai; tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; hợp tác và phát triển cộng đồng.
Trong đó
Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là cơ cấu kinh tế trong đó các thành thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển như một tổng thể, giữa chúng có quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với nhau.
Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất.
Đặc điểm Kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo; tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.
Đánh giá hiệu quả kinh tế tập thể phải trên cơ sở quan điểm toàn diện, cả kinh tế - chính trị - xã hội, cả hiệu quả của tập thể và của các thành viên.
Phát triển kinh tế tập thể theo phương châm tích cực, vững chắc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao, đạt hiệu quả thiết thực, vì sự phát triển của sản xuất.
Nhà nước giúp đỡ hợp tác xã đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường, xây dựng quĩ hỗ trợ hợp tác xã.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, PGS. TS. Nguyễn Văn Hảo, Bộ Giáo dục và đào tạo)