Lạm phát lối sống (Lifestyle creep) là gì? Đặc điểm
Mục Lục
Lạm phát lối sống
Lạm phát lối sống trong tiếng Anh là Lifestyle creep.
Lạm phát lối sống xảy ra khi mức sống của một cá nhân được cải thiện do thu nhập khả dụng của họ tăng lên và những thứ trước đây được coi là xa xỉ lại trở thành những nhu cầu thiết yếu. Sự gia tăng thu nhập cá nhân khả dụng có thể xảy ra thông qua việc tăng thu nhập hoặc giảm chi phí.
Một đặc điểm nổi bật của lối sống này là sự thay đổi trong suy nghĩ và hành vi, coi việc chi tiêu cho các mặt hàng không quan trọng là một quyền chứ không phải là một sự lựa chọn. Điều này có thể được nhìn thấy trong thái độ cho rằng "mình xứng đáng với điều đó", thay vì nghĩ đến những cơ hội mà việc tiết kiệm tiền sẽ mang lại.
Một cách để hạn chế tình trạng lạm phát lối sống là lập ngân sách và suy nghĩ cẩn thận trước khi mua một món hàng nào đó.
Đặc điểm của Lạm phát lối sống
Lạm phát lối sống có thể làm hỏng kế hoạch nghỉ hưu và kế hoạch giảm nợ của một cá nhân vì đáng lẽ ra phải tiết kiệm, cá nhân đó lại tiêu xài hoang phí. Hiện tượng này có thể bắt đầu từ những dấu hiệu nhỏ như đặt mua một chai rượu đắt tiền hơn vào bữa tối, hoặc mua một chiếc túi hoặc vật phẩm điện tử không thực sự cần đến, nhưng có thể nhanh chóng mở rộng thành những thói quen xa hoa hơn.
Việc dễ dàng vay và sử dụng thẻ tín dụng cho phép mua hàng số lượng lớn đã góp phần vào hiện tượng lạm phát lối sống. Để tránh lạm phát lối sống, một người nên lập ngân sách và luôn giữ vững tinh thần tiết kiệm và chi tiêu hợp lí.
Một số ví dụ về hiện tượng lạm phát lối sống bao gồm:
- Chi một ít tiền mỗi ngày để mua cà phê
- Bay máy bay hạng cao hơn hạng kinh tế
- Ăn ngoài thường xuyên và nhiều hơn
- Mua quần áo đắt tiền
- Thuê giúp việc dù không thật sự cần
- Mua hoặc thuê nhiều nhà hơn nhu cầu
- Một chiếc xe thứ ba, một chiếc thuyền, hoặc thay xe sớm hơn nhu cầu
Phong cách sống này có thể là vấn đề đặc biệt đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu. Đối với những người như vậy, khoảng 10 năm trước khi nghỉ hưu là thời điểm họ có thu nhập cao nhất và đã trả hết các chi phí định kì lâu dài của họ, ví dụ như thế chấp hoặc chi phí liên quan đến nuôi dưỡng con cái. Khi họ đã không còn ràng buộc nữa, họ có thể chọn những chiếc xe đắt tiền hơn, chi tiêu vào những kì nghỉ đắt tiền, mua thêm nhà hoặc bắt đầu mua sắm những mặt hàng xa xỉ.
Vì mục tiêu nghỉ hưu là duy trì lối sống mà người ta đã quen với những năm trước khi nghỉ hưu, những người về hưu này cần nhiều tiền hơn để chi tiêu. Thật không may, họ thiếu nguồn lực để làm điều này bởi vì họ đã chi tiêu dòng tiền dư thừa của họ thay vì tiết kiệm nó để giúp cho quãng thời gian nghỉ hưu được thoải mái hơn.
Hiện tượng này cũng được nhìn thấy ở người tiêu dùng trẻ tuổi, ví dụ như khi họ tìm được công việc lương cao đầu tiên của họ. Thói quen chi tiêu có thể nhanh chóng thay đổi, bao gồm việc mua những mặt hàng trước đây được coi là xa xỉ. Hành vi như vậy có thể tạo ra khó khăn trong tương lai trong việc tiết kiệm mua nhà, nghỉ hưu hoặc trả các khoản vay giáo dục.
Để tránh rơi vào bẫy chi tiêu như vậy, mỗi người nên viết ra các mục tiêu cuộc sống, các mục tiêu chi tiêu và sử dụng chúng như một định hướng trước khi đưa ra bất kì quyết định chi tiêu nào.
(Theo Investopedia)