Hội đồng trọng tài lao động (Labor Arbitration Council) là ai?
Mục Lục
Hội đồng trọng tài lao động (Labor Arbitration Council)
Hội đồng trọng tài lao động - danh từ, trong tiếng Anh tạm dịch là Labor Arbitration Council.
Hội đồng trọng tài lao động là một cơ chế để giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong trường hợp các tranh chấp không thể được giải quyết bằng biện pháp hòa giải. Các quyết định của Hội đồng trọng tài lao động phụ thuộc trên cơ sở qui định của luật lao động. (Theo Arbitration Council)
Bộ luật Lao động năm 2019 qui định: "Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động.
Hội đồng trọng tài lao động gồm Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ quan quản lí nhà nước về lao động, thư kí Hội đồng và các thành viên là đại diện công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Số lượng thành viên Hội đồng trọng tài lao động là số lẻ và không quá 07 người.
Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động ở địa phương.
Hội đồng trọng tài lao động tiến hành hoà giải các tranh chấp lao động tập thể sau đây:
- Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích;
-Tranh chấp lao động tập thể xảy ra tại các đơn vị sử dụng lao động không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ qui định.
Hội đồng trọng tài lao động quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín."
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động
1. Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải qui định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo qui định, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào qui định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội qui lao động đã được đăng kí và các qui chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Đối với tranh chấp qui định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Lao động mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lí theo qui định của pháp luật.
4. Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo qui định tại Điều này thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
5. Khi hết thời hạn qui định mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
6. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. (Theo Bộ luật Lao động năm 2019)